Gần 200 cán bộ, giáo viên mầm non quận Ba Đình tham gia kiến tập chuyên đề xây dựng môi trường giáo dục phát huy tính tích cực của trẻ.
Ngày 26-12, tại Trường Mầm non Tuổi Hoa (quận Ba Đình), Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức kiến tập chuyên đề “Phát triển chương trình nhà trường và xây dựng môi trường giáo dục phát huy tính tích cực của trẻ”. Gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của 18 trường mầm non công lập, 8 trường mầm non tư thục và 70 cơ sở mầm non độc lập tư thục đã tham dự chuyên đề.
Trước đó, vào đầu tháng 12-2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tổ chức chuyên đề về đổi mới xây dựng thực đơn và nâng cao kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ với sự tham gia của 200 giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.
Đây là chuyên đề thứ hai trong học kỳ I năm học 2024-2025 của cấp mầm non ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình với nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ các nhà trường thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Chuyên đề tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường trong việc phát triển chương trình nhà trường và xây dựng môi trường giáo dục phát huy tính tích cực của trẻ.
Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của việc chọn nội dung chuyên đề này, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng, công tác giáo dục trẻ ở cấp học mầm non quận Ba Đình được đặc biệt chú trọng. Nội dung chuyên đề nhằm hỗ trợ các nhà trường xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phát huy tính tích cực của trẻ thông qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đổi mới phương pháp, tăng cường tương tác cũng như lắng nghe, tìm hiểu, chia sẻ cùng trẻ... Việc xây dựng môi trường giáo dục phát huy tính tích cực của trẻ cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non Ba Đình nhằm giúp trẻ tự tin khi bước vào cấp tiểu học, học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tham gia chuyên đề, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các nhà trường đã dự hoạt động một ngày ở trường của trẻ, bắt đầu bằng hoạt động thể dục buổi sáng.
Với các hoạt động học, tùy từng lứa tuổi, tại các lớp diễn ra các hoạt động học phù hợp. Ví dụ, với lớp nhà trẻ (24-36 tháng) có hoạt động dạy trẻ nhận biết màu sắc; hướng dẫn trẻ chơi với hình, màu sắc và tạo sản phẩm từ các nguyên vật liệu rời. Còn ở lớp mẫu giáo bé (3-4 tuổi), giáo viên hướng dẫn trẻ nói “lời cảm ơn”.
Trong khi đó, với lớp mẫu giáo lớn (5-6 tuổi), trẻ được học cách thể hiện hành vi văn minh, thanh lịch ở nơi công cộng; học cách quan tâm, chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.