Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần bịt "lỗ hổng" về hiến tạng

Tiến Thành| 25/10/2018 10:26

(HNMO) - Gần đây, liên tiếp những vụ việc môi giới mua bán trái phép nội tạng trên địa bàn Hà Nội được cơ quan công an phát hiện. Chủ yếu các đối tượng lợi dụng


Giữa tháng 10, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Phương (sinh năm 1989, quê ở tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”. Theo cơ quan công an, từ đầu năm 2018 đến nay, Phương cùng đồng phạm thực hiện trót lọt 3 vụ mua bán thận với giá mua vào từ 250 triệu đồng đến 320 triệu đồng/quả thận, bán ra từ 340 triệu đồng đến 360 triệu đồng/quả thận, từ đó hưởng chênh lệch từ 40 triệu đồng đến 100 triệu đồng/quả thận.

Cũng trong thời gian này, Công an quận Long Biên đã phát hiện một đường dây mua bán thận của Dương Văn Lộc (sinh năm 1987, quê ở TP Hải Phòng) và 2 đối tượng khác. Với chi phí giao dịch bình quân khoảng 400 triệu đồng/trường hợp, đường dây này đã thực hiện trót lọt 4 trường hợp từ đầu năm 2018 đến nay.

Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng được, dẫn tới tình trạng bệnh nhân tìm đến những nguồn khác trái pháp luật. Mặc dù Điều 154, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người" đã có hiệu lực từ năm 2018, nhưng muốn xử lý hình sự thì cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi “mua - bán” vì mục đích thương mại, còn nếu ghép tạng là do được hiến tặng thì chưa có quy định cụ thể. Do đó, lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng, đường dây đã sử dụng thủ đoạn giả hiến tạng để lách luật, thực hiện nhiều vụ mua bán để trục lợi.

Hoạt động của tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán nội tạng rất tinh vi. Trung úy Bùi Quang Huy, cán bộ Đội Phòng chống tội phạm mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội, lân la tại cổng các bệnh viện, khu vực chạy thận nhân tạo để nắm bắt nhu cầu, đối tượng cần mua và bán thận nhằm môi giới. Khi tìm được người cần bán và mua thận, các đối tượng sẽ đưa đến bệnh viện nhằm kiểm tra, xét nghiệm những chỉ số y tế. Trong trường hợp những chỉ số xét nghiệm này phù hợp, các đối tượng sẽ lập hồ sơ hiến tặng thận giả, nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Các đối tượng đứng ở giữa “làm giá” giữa người mua và người bán để hưởng tiền chênh lệch. Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết, sự mất cảnh giác của nạn nhân, không phân biệt được yêu cầu ghép tạng theo quy định của pháp luật như thế nào, dẫn tới việc bị lôi kéo, dụ dỗ để trở thành nạn nhân của tội phạm.

Điều 154, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực từ năm 2018 về tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người" quy định: việc mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác sẽ bị phạt tù từ 3 đến 12 năm tù, trường hợp nặng có thể bị phạt từ 20 năm đến tù chung thân. Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.

Theo Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, có thể thấy các đối tượng môi giới mua bán nội tạng lợi dụng kẽ hở của luật pháp về việc hiến tặng nội tạng với mục đích nhân đạo để thực hiện hành vi mua bán. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng hướng dẫn, thông tư cụ thể về luật để bịt lỗ hổng này, tránh những vụ việc mua bán nội tạng xảy ra trong tương lai.

Trung tá Lương Huy Giang, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm mua bán người khuyến cáo, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bị nghiêm cấm. Chính vì vậy, đối với những người bị bệnh, trong vụ án này là bị bệnh thận, cần đến các cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép thận nhân đạo và tuyệt đối không được mua, bán. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô... cho những bệnh nhân cần ghép tạng với ý nghĩa nhân đạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần bịt "lỗ hổng" về hiến tạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.