Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân bằng quan hệ khu vực

Thùy Dương| 24/03/2011 05:51

(HNM) - Hôm qua (23-3) người đứng đầu Nhà Trắng Barack Obama đã kết thúc chuyến đi 5 ngày tới 3 nước: Brazil, Chile và El Salvador. Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ B.Obama tới Trung và Nam Mỹ diễn ra bất chấp những ngổn ngang về ngân sách trong nước; lo ngại về cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản cũng như cuộc chiến khó lường tại đất nước dầu mỏ Libya hay Afghanistan và Iraq...

Tổng thống Mỹ B.Obama và Tổng thống El Salvador Mauricio Funes.

10 năm qua, ảnh hưởng của Mỹ tại nhiều nước Mỹ Latinh như đang giảm dần trong khi Nga, Trung Quốc và thậm chí Iran ngày càng có cơ hội thâm nhập sâu vào khu vực này. Một số nước cho rằng, chính quyền của Tổng thống B.Obama đã không thực hiện tuyên bố về một chương mới trong quan hệ Mỹ - Mỹ Latinh như từng hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử năm 2008; đồng thời không đáp ứng được nguyện vọng của khu vực về một cam kết lớn hơn từ Washington.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn ọp ẹp sau cuộc khủng hoảng, Quốc hội Mỹ đang bận rộn trước dự luật ngân sách mới để tránh một vụ đóng cửa chính phủ liên bang, chuyến thăm 3 "người hàng xóm" hẳn là một khẳng định về vai trò lãnh đạo kinh tế của Washington tại khu vực.

Mỹ Latinh đang là điểm đến để tăng gấp đôi hàng xuất khẩu của Mỹ như một giải pháp quan trọng cho lời hứa tạo việc làm cho người lao động Mỹ của Tổng thống B. Obama thành hiện thực. Điều này rất quan trọng với cơ hội tái đắc cử của ông B.Obama trong cuộc bầu cử 2012.

Không phải ngẫu nhiên Tổng thống B.Obama chọn Brazil - nền kinh tế hàng đầu trong khu vực, một cường quốc mới nổi - là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi. Dưới thời Tổng thống Lula da Silva, quan hệ Mỹ - Brazil có phần căng thẳng khi Brazil không tìm thấy ở Mỹ nhiều sự tương đồng trong các quan hệ quốc tế. Nhưng hiện tại chính quyền của Tổng thống D. Rousself có vẻ như đang đánh giá lại một số chính sách của Brazil, thận trọng giữ khoảng cách trước những vấn đề gai góc mà Mỹ đang can dự như Iran, Trung Đông và Bắc Phi... Washington muốn tranh thủ điều này. Kinh tế là vấn đề được ưu tiên trong chuyến thăm Brazil của người đứng đầu Nhà Trắng thể hiện qua đoàn tháp tùng đông tới 300 doanh nhân nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực, từ năng lượng tới viễn thông chỉ trong 2 ngày đã có hàng chục hợp đồng kinh tế từ phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, hải cảng, chuẩn bị cho Cúp Bóng đá thế giới năm 2014 đến lĩnh vực khai thác dầu hỏa, nhiên liệu sinh học... được hai bên ký kết.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, Brazil còn đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị của Mỹ khi đang giữ ghế thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỹ rất cần lá phiếu của Brazil trước những vấn đề nóng bỏng hiện nay tại Trung Đông và Bắc Phi.

Chặng dừng chân thứ hai của ông B.Obama là Chile, nơi mà lượng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đã tăng 300% từ năm 2004. Mối quan hệ thương mại ổn định này đã giúp nước Mỹ có thêm 70 nghìn công ăn việc làm. Phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau cuộc hội đàm với Tổng thống Chile, Sebastián Pinera, ông B.Obama nhấn mạnh Washington chia sẻ trách nhiệm chung với Santiago trong cuộc chiến phòng, chống ma túy.

Lịch trình chặng dừng chân cuối cùng tại El Salvador đã bị rút ngắn khi Tổng thống Mỹ B.Obama phải nhanh chóng trở về Mỹ triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia bàn về tình hình Libya. Tại quốc gia Trung Mỹ này, người đứng đầu Nhà Trắng tập trung vào những lo ngại về nạn đói nghèo, cũng như ngăn chặn sự lây lan của ma túy… Tổng thống B.Obama đã công bố khoản viện trợ thêm 200 triệu USD cho các quốc gia Trung Mỹ nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và ma túy đang gia tăng. Ông B.Obama nhấn mạnh El Salvador là một trong bốn nước đối tác chiến lược ở Mỹ Latinh trong chương trình đối tác phát triển của Mỹ, vì vậy hai nước sẽ sát cánh để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyến công du ngắn ngủi trong ngổn ngang của nước Mỹ cũng như các vấn đề toàn cầu của Tổng thống B.Obama như một khẳng định, uy tín quốc tế ngày càng cao của những quốc gia Trung và Nam Mỹ khiến Mỹ nhận ra đã đến lúc phải cân bằng các mối quan hệ trong khu vực trước khi bị cho là quá muộn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng quan hệ khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.