Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảm ơn những người phụ nữ Việt Nam!

Nguyễn Thị Hạnh Weigl| 08/03/2011 07:17

(HNM) -

Tác giả Nguyễn Thị Hạnh Weigl.


Dù Chính phủ Mỹ công nhận 8-3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ từ năm 1994 và dành cả tháng 3 để kỷ niệm phong trào giải phóng phụ nữ Mỹ, tôi vẫn cảm nhận sự kiện này không còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày của người dân Mỹ. Là một cô gái Việt đã sống ở Mỹ hơn mười lăm năm, tôi chưa một lần được ai tặng hoa hay một câu chúc nhân ngày này. Tôi nghĩ, tôi có thể hiểu được điều này. Một trong những mục đích của phong trào giải phóng phụ nữ trên đất Mỹ là xóa đi hình ảnh của người phụ nữ truyền thống: một bà nội trợ có nhiệm vụ chính là sinh con cho chồng. Trong và sau phong trào ấy, những người phụ nữ muốn xây dựng hình tượng mạnh mẽ và bình đẳng với nam giới. Vì thế, tôi nghĩ, vào ngày 8-3, phụ nữ Mỹ không muốn được tặng hoa vì nó tượng trưng cho những gì gọi là truyền thống và không muốn được tặng quà vì họ có khả năng tự mua quà.  Nhưng sự "bình đẳng" này cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình của người Mỹ. Ngày còn học cấp ba, tôi được học về phong trào giải phóng phụ nữ và được căn dặn nên theo đuổi giấc mơ của mình cho dù phải hy sinh cuộc sống gia đình. Thầy cô đã dặn tôi rằng, nếu mình không cảm thấy hạnh phúc, con cái mình cũng sẽ không được sung sướng.  Có lẽ vì vậy mà số người ly dị ở Mỹ ngày càng tăng (?). Nếu không còn hạnh phúc với chồng, ít người phụ nữ Mỹ nào muốn chấp nhận cuộc sống chung để những đứa con có một mái ấm gia đình.

Tuy nhiên, trong tình yêu, tôi có cảm nhận đàn ông Việt Nam dễ dàng nói từ  "yêu" hơn đàn ông Mỹ.  Tôi đã thảo luận vấn đề này với rất nhiều bạn gái Việt và Mỹ, chúng tôi đều kết luận như nhau. Bên cạnh đó, đàn ông Việt Nam thường trả tiền khi đi chơi với bạn gái hoặc vợ chưa cưới. Theo tôi, điều này có thể ảnh hưởng không tốt cho "đối phương" vì nó có thể làm thay đổi tình cảm, từ tình yêu sang phụ thuộc và sự phụ thuộc này sẽ đưa phụ nữ đến một cạm bẫy khó có thể tìm lối ra.

Những nét khác biệt kể trên phản ánh phần nào văn hóa và lịch sử của cả hai nước. Tôi không thể khẳng định là thói quen, phong tục hoặc cách hành xử nào là tốt hơn, nhưng tôi nghĩ là chúng ta có những điểm đáng học ở nhau.

Những người gặp và  biết tôi đều rất ngạc nhiên khi tôi sang Mỹ từ lúc 8 tuổi, là con nuôi của một gia đình Mỹ nhưng vẫn có thể nói và viết tiếng Việt lưu loát. Tôi nghĩ, tôi ý thức được những điều khác biệt và giá trị của người phụ nữ Việt Nam: biết hy sinh, biết tiết kiệm, biết nhường nhịn, biết sống vì gia đình. Phụ nữ Việt Nam thời nay năng động hơn và thành công trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng cũng luôn biết cân bằng giữa trách nhiệm xã hội và trọng trách làm vợ và làm mẹ của mình.

Tôi đã gặp rất nhiều người phụ nữ Mỹ và phụ nữ Việt Nam. Tấm gương về đức tính hy sinh, dịu dàng nhưng mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam luôn thôi thúc tôi giữ gìn văn hóa Việt. Nếu có cơ hội, tôi muốn tặng tất cả những người phụ nữ Việt Nam một đóa hoa hồng tươi thắm nhất, để cảm ơn họ đã cho tôi cảm thấy tự hào khi là một người phụ nữ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảm ơn những người phụ nữ Việt Nam!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.