(HNMO) - Chiếc máy bay của Việt Nam Airline nghiêng cánh, từ từ đáp xuống sân bay Đà Nẵng, mở đầu cho chuyến đi 4 ngày của chúng tôi cùng Cty Du lịch Redtour tới Thành phố trẻ Miền Trung đầy nắng, gió...
Đà Nẵng - Thành phố nổi tiếng về các cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế với các tên gọi “Âm vang sông Hàn”, “Vũ điệu tiên sa”, “Huyền thoại sông Hàn”… đây rồi. Trước mắt chúng tôi hiện ra một thành phố công nghiệp lớn, nhưng sạch sẽ, không ồn ào, và rất ngăn nắp, quy củ… Chiếc cầu dây văng hoành tráng bắc qua con sông Hàn thơ mộng, những tòa khách sạn sang trọng, những con đường rộng rãi, thoáng mát chạy dài theo bờ biển… như là điểm nhấn tạo nên nét đẹp hiện đại của Đà Nẵng hôm nay. Đó là một thành phố trẻ, nằm sát ba di sản thế giới : Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, và Thánh địa Mỹ Sơn! Có thể nói, Đà Nẵng là Trung tâm kinh tế sầm uất nhất trong các tỉnh miền Trung và cũng là điểm đến lý tưởng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước bởi vẻ hiện đại của Thành phố, cũng như những bãi biển sạch đẹp, quyến rũ với làn nước trong như ngọc…
Hướng dẫn viên du lịch cho đoàn chúng tôi là một thanh niên trẻ, tuổi 8X, người gốc địa phương có cái tên Lê Ngọc Hậu cho biết: Người dân Đà nẵng tự hào với “tiếng tăm” của địa phương mình là thành phố “5 không, 3 có” ( trong đó 5 không là: không có hộ đói, không có người mù chữ, không ăn xin, không nghiện hút, và không có trộm cướp; 3 có là: có nhà, có việc làm và có nếp sống văn minh). Điều này đã được quán triệt sâu sắc từ trên xuống dưới, mà đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh… Trên thực tế, trong khi được tiếp xúc với một số cư dân Đà Nẵng hầu như ai cũng ghi nhận rằng, Đà Nẵng được mở mang, phát triển, có thêm nhiều tuyến phố mới được quy hoạch xây dựng đẹp, trật tự xã hội cũng được ổn định, tệ nạn xã hội giảm hẳn, an ninh trật tự vào quy củ… như hiện nay - công đầu là thuộc về những định hướng chỉ đạo đúng đắn và sát sao của Thành phố. Nghe người dân địa phương ca ngợi các vị đứng đầu chính quyền, tôi thầm thầm kính phục, và nghĩ rằng, vai trò của người lãnh đạo thật quan trọng. Nếu ở các địa phương khác cũng có được những người đứng đầu vừa có trình độ, vừa có nhiệt tình năng nồ như ở Đà Nẵng thì đất nước mình chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn…
Theo chương trình của Tour du lịch, ngay hôm sau chúng tôi được đi tham quan Ngũ Hành Sơn - Nơi sản xuất đá khá nổi tiếng trong nước. Có thể nói, cả một dãy phố dài ở Ngũ Hành Sơn là các cửa hàng chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ đá. Không ít khách du lịch phải trầm trồ khen ngợi tài năng của những người thợ thủ công Việt Nam: Qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ làm đá, các tảng đá vô tri, vô giác đã trở thành rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồ vật quý giá, có hồn như: Tượng phật Thích Ca, Bồ Tát, tượng Chúa Giê Su, Đức Mẹ… từ to tới nhỏ. Nhiều con linh vật bằng đá như Sư tử, Nghê, Đại bàng, Rồng… được khắc họa một cách tinh xảo từ đá ở Ngũ Hành Sơn khiến cho người xem vô cùng ngỡ ngàng, thán phục. Bước ra khỏi nơi sản xuất đá ở Ngũ Hành Sơn, tôi thấy, hầu như du khách nào cũng mua một đồ vật gì đó, cho dù chỉ là các đồ vật nhỏ bé để làm kỷ niệm như bộ chén, cốc, bát, đĩa, lọ hoa…, hoặc những vòng, dây trang sức bằng đá Thạch Anh với đủ mầu, sắc…
Đến thăm Hội An - Thành phố cổ nổi tiếng nằm bên con sông Thu Bồn, chúng tôi mới thấy việc năm 1999 Ủy ban di sản Thế giới của Unesco công nhận Hội An là di sản Văn hóa Thế giới là xác đáng. Nằm cách thành phố Đà Nẵng 28km về phía Nam, Hội An năm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển Quảng Nam, có gần 7km bờ biển với nhiều bãi tắm, Resort, khách sạn đẹp và một Ngư trường khá rộng với nguồn hải sản dồi dào phong phú ; Đảo Cù Lao Chàm (rộng 1.591 ha) với nguồn đặc sản Yên sào nổi tiếng, là nơi rất thuận tiện để phát triển du lịch Biển – Đảo nơi đây. Trong lịch sử hình thành và phát triển, phố cổ Hội An được thế giới biết đến dươi nhiều tên gọi khác nhau như: Faifo, Haisfo, Ketchem, và Hoài Phố…Theo lời giải thích của Lê Ngọc Hậu (hướng dẫn viên Du lịch), từ thế kỷ 16 đến 19, Hội An đã từng là trung tâm mậu dịch quốc tế sầm uất trên hải trình thương mại Đông – Tây, đồng thời là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong – Việt Nam dưới triều đại các Chúa Nguyễn bởi các thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan v.v… thường đến đây để trao đổi – mua bán hàng hóa.
Các công trình kiến trúc còn lưu lại đã chứng minh Hội An là nơi hội tụ , giao thoa giữa nhiều nền văn hóa : Chăm, Việt, Trung Hoa, Nhật Bản … Đến nay, Hội An hẩu như vẫn bảo toàn nguyên trạng một quần thể di tích cổ kính, gồm nhiều công trình kiến trúc nhà ở, Hội quán, đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ tộc, , giếng cầu, bến cảng, chợ v.v… và những con đường phố hẹp chạy dọc, ngang như bàn cờ vậy. Đáng chú ý ở Hội An có khá nhiều hội quán của người Hoa như: hội quán Triều Châu, hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến, hội quán Hải Nam...Những hội quán này là dấu ấn rõ nét về ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thời xưa đối với Hội An, đặc biệt câu chuyện về nguồn gốc của Hội quán Phúc Kiến với sự lưu lạc của 4 vị tướng nhà Minh tơi vùng đất Hội An xưa đã lôi kéo được sự chú ý của nhiều khách du lịch.
Đến Hội An ai cũng phải thăm và chụp ảnh ở Chùa Cầu — Nhật Bản, đây là một cây cầu có kiến trúc độc đáo trở thành một biểu tượng của Hội An. Cây cầu được làm bằng gỗ hình vòng cung do thương nhân Nhật Bản làm, có lòng rộng 3m ,dài 20m, các trụ được xây bằng đá. Giữa cầu có ngôi chùa lại do người Trung Quốc xây dựng. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là "Lai Viễn Kiều". khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan khá đông, chúng tôi phải đứng chờ vãn mới vào lễ được…Khách quốc tế đến Hội An khá đông, đi đâu cũng gặp họ tha thẩn các cửa hàng, cửa hiệu, các khu di tích, lịch sử, họ cũng cùng chúng tôi đến tham quan ngôi nhà cổ Tấn Ký xây dựng cách đây 200 năm và 7 đời sống trong ngôi nhà này, những bức ảnh các cụ đời thứ 7, thứ 6 và hai vợ chồng cụ đời thứ 5 vẫn còn giữ treo trên vách ngăn bằng gỗ trước bàn thờ, bao biến thiên của thời gian và lịch sử đã phai mờ , song ký ức thì hầu như vẫ còn nguyên vẹn… Cổng sau của ngôi nhà là dòng sông Thu Bồn nên mùa nước năm nào cũng bị ngập –mực nước ngập được đánh dấu từng năm trên vách gỗ …
Đến Đà Nẵng hầu như không mấy ai bỏ cơ hội đi thăm Bà Nà Hill - Nơi vốn vẫn được quảng cáo trên tivi là nơi tiên cảnh và chốn bồng lai, mà người ta có thể cảm nhận 4 mùa trong một ngày. Ngồi trong Ca-bin cáp treo đi lên Bà Nà - Núi chúa, chúng tôi không khỏi xúyt xoa trước cảnh trời bao la, núi rừng trùng điệp, xanh mướt. Dưới sâu thẳm của vực sâu là những dòng suối róc rách chảy luồn lách qua các núi đá. Từng đàn chim bay lượn, hót líu lo cùng những chu bướm vàng vây quanh những cây hoa rừng... bất chợt đem lại cho du khách cảm giác thích thú, lâng lâng khó tả. Bà Nà – Núi Chúa là dãy núi cao thuộc huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 40km về phía Tây Nam, cao 1.487m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình hàng năm chỉ từ 17 - 20oC. Toàn bộ tuyến cáp treo Bà Nà gồm 22 trụ ; 94 Ca-bin ; công suất 1.500 khách/h, do Cty cổ phần dịch vụ Bà Nà xây dựng vào năm 2007 với tổng vốn đầu tư lên tới trên 300 tỷ đồng...
Với nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng, từ những năm đầu thế ký XX , người Pháp đã chọn Bà Nà là nơi nghỉ mát và xây dựng ở đây những biệt thự, lâu đài, nhà nghỉ và các công trình phúc lợi như : bệnh viện, Bưu điện, Nhà hát, Khu thể thao v.v… trở thành Kinh đô nghỉ hè của xứ Trung Kỳ. Hơn nửa thế kỷ qua đi, do thiên tai, địch họa, một số đã tàn tạ, trở thành phế tích. Hiện nay, nhiều khu biệt thự của Nhà nước, cũng như của tư nhân đã được xây dựng lại với đầy đủ tiện nghi phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ mát của du khách trong và ngoài nước. Dưới chân núi Bà Nà – Suối Mơ là điểm du lịch rất đông khách, nhất là vào mùa hè này. Ở đây có thác Tóc Tiên 9 tầng, du khách đưng từ dưới chân thác nhìn lên, thác chảy như mái tóc của một nàng Tiên. Phong cảnh hòa quyện giữa mây, núi rừng bao la với những dòng nước trắng xóa mát mẻ giúp du khách quên đi sự mệt mỏi của đường trường, tận hưởng những giây phút thư giãn trên chốn bồng lai…
Thấm thoắt 4 ngày ở Đà Nẵng qua đi thật nhanh. Kết thúc Tour du lịch chúng tôi đã đi được bao nhiêu chặng đường, đến được bao nhiêu nơi của Thành phố trẻ miền Trung này. Mỗi nơi một cành, mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng, để lại trong chúng tôi bao kỷ niệm êm đềm và bao nỗi nhớ nhung, bởi câu : “Một ngày nên nghĩa, Chuyến đò nên quen”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.