(HNM) - Trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới tiếp tục có nhiều điểm nóng và căng thẳng, ngày 3-1-2022, 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đã tìm được tiếng nói chung mang tính tích cực khi đưa ra cam kết ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là những quốc gia được quyền sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực từ năm 1970, đã khẳng định nỗ lực tránh chiến tranh giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược là trách nhiệm hàng đầu.
Nội dung tuyên bố chung nêu rõ: “Sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng. Chúng tôi cam kết, vũ khí hạt nhân chỉ phục vụ mục đích phòng thủ, ngăn chặn xâm lược và chiến tranh. Mỗi quốc gia có trách nhiệm duy trì và tăng cường hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn sử dụng trái phép hoặc ngoài ý muốn vũ khí hạt nhân". Bên cạnh đó, 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh quyết tâm làm việc với tất cả quốc gia trên thế giới để bảo đảm môi trường an ninh, giúp hoàn tất các tiến bộ trong lĩnh vực giải trừ vũ khí, với mục tiêu cuối cùng là thế giới loại bỏ được vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân được đưa ra vào lúc Hội nghị lần thứ 10 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm rà soát lại việc thực thi NPT, dự định diễn ra từ ngày 4 đến 28-1-2022 tại thành phố New York (Mỹ), đã bị hoãn lại do diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid-19. Đây là dịp để 191 nước ký NPT thảo luận về các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu một cách minh bạch hơn, ngăn chặn các khủng hoảng hạt nhân có thể xảy ra tại Trung Đông và châu Á, đồng thời khuyến khích sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình…
Dư luận quốc tế cho rằng, cam kết của 5 cường quốc hạt nhân là bước đi đúng hướng để “hạ nhiệt” bầu không khí căng thẳng thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc vẫn bất đồng về nhiều lĩnh vực, quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng liên tục có dấu hiệu đáng báo động liên quan tới tình hình Ukraine. Bên cạnh đó, “sức nóng” của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.
Theo đánh giá của các nhà bình luận, trong vòng 5 năm trở lại đây, các cường quốc đã đưa ra nhiều động thái gây ảnh hưởng tới nỗ lực cắt giảm vũ khí hạt nhân của cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý là việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015. Ngoài ra, Mỹ và Nga đã chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Vì vậy, tuyên bố vừa được đưa ra là một động thái trấn an kịp thời.
Phản ứng trước động thái tích cực của 5 thành viên thường trực, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid cho rằng, các cam kết theo nghĩa vụ của NPT sẽ thúc đẩy sự hiểu biết cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả. Đây là thông điệp đúng đắn đối với thế giới trong bối cảnh bắt đầu một năm mới.
Theo Liên hợp quốc, mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm, nhưng hiện trên thế giới vẫn có khoảng 14.000 đơn vị vũ khí loại này và thế giới đang đối mặt với mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất trong gần 4 thập kỷ qua. Do đó, đây là thời điểm cần loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới, mở ra một thời kỳ mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình cho tất cả nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.