Chuyển đổi số

Cam kết, đồng hành cùng Hà Nội chuyển đổi số

Việt Nga 17/07/2023 20:31

Báo Hànộimới ghi lại một số ý kiến trong khuôn khổ hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm triển khai công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra chiều nay 17-7. 

img_8676.jpg
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng. Ảnh: HK

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng:
Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt

Nếu như xếp hạng tổng thể năm 2020, Hà Nội đứng thứ 43/63 địa phương; năm 2021, Hà Nội tăng 3 bậc, đứng thứ 40/63 địa phương; thì đến năm 2022, Hà Nội tăng 16 bậc, đứng thứ 24/63 địa phương. Dù chưa đạt như kỳ vọng, song điều này cho thấy Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt.

Để tiếp tục đạt chuyển biến trong chuyển đổi số, tôi muốn nhấn mạnh về vai trò của người đứng đầu. Khi chưa bắt đầu chuyển đổi số, thì người đứng đầu làm nhiệm vụ của “chân ga”, khi đã bắt đầu chuyển đổi số, thì người đứng đầu làm nhiệm vụ của “chân phanh”.

Do vậy trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố và các đồng chí Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã lưu ý việc này, bằng cách thường xuyên giám sát, định kỳ hằng năm nhắc nhở, chấn chỉnh về công tác này, trong đó chú ý cả phần chi cho chuyển đổi số.

img_8681.jpg
Ông Chu Khánh Hòa, Phó Giám đốc khối chính phủ FPT IS. Ảnh: NT

Ông Chu Khánh Hòa, Phó Giám đốc khối chính phủ Công ty Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT):
Sẵn sàng cùng Hà Nội kiến tạo mô hình chuyển đổi số giúp chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu

Đồng hành cùng Chính phủ, địa phương triển khai Đề án 06, FPT xác định dữ liệu chính là chìa khoá, là trái tim cho mọi hành trình chuyển đổi số. Theo đó, FPT đề xuất xây dựng và phát huy sức mạnh của cơ sở dữ liệu ở các tỉnh, thành phố thông qua việc thành lập Trung tâm điều hành thông minh như một đơn vị hành chính trực thuộc UBND.

Tại đây, kho dữ liệu địa phương đóng vai trò thu thập, tích hợp và khai thác dữ liệu tạo nên nguồn tài nguyên khổng lồ cho quá trình chuyển đổi số theo nguyên tắc: Đúng - đủ - sạch - sống. Hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp, liên thông đa dạng từ nhiều nguồn liên kết với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Danh mục dữ liệu sẽ được đồng bộ chính xác, nhất quán, giúp lãnh đạo có thể nhanh chóng nắm bắt dữ liệu và chỉ đạo tức thời. FPT sẵn sàng cùng Hà Nội kiến tạo, triển khai mô hình chuyển đổi số này để giúp các lãnh đạo thành phố có thể chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu, giúp thành phố đẩy nhanh tốc độ đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

c34f4dc56c02ded063a2e5df984428b2.jpg
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam. Ảnh HK

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam:
Triển khai nhiều dữ liệu chuyên ngành

Trong thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện việc số hóa dữ liệu ngành và đạt được một số kết quả nổi bật. Về dữ liệu bảo trợ xã hội, Sở đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã chuyển toàn bộ dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo (các địa phương đang quản lý) gửi đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và C06, Bộ Công an theo quy định. Tính đến ngày 13-7-2023, đã có 201.554 đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội.

Về dữ liệu trẻ em, Sở thực hiện quy trình 4 bước chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em trên phần mềm quản lý thông tin trẻ em theo quy trình chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu trẻ em do Cục Trẻ em quản lý. Đã có 1.627.270 trẻ em được nhập vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở, trong đó số trẻ em đã có mã định danh cá nhân là 1.214.035. Về dữ liệu người có công, hiện các địa phương đã đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 18.935 đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

img_8677.jpg
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh. Ảnh: HK

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh:
Nhiều sáng kiến chuyển đổi số được thực hiện tại quận

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên về cải cách thủ tục hành chính và Đề án 06 và chuyển đổi số, Quận Cầu Giấy phát động triển khai các sáng kiến, giải pháp, ý tưởng mới tới các phòng, ban, ngành và UBND các phường nhằm nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo của các đơn vị, cán bộ, công chức, người lao động. Các sáng kiến đã được thành phố ghi nhận và triển khai tốt tại quận, như:

Sáng kiến Liên thông thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quận đã rút ngắn 3 thủ tục còn 1 thủ tục, liên thông 4 đơn vị giải quyết: Tài chính, thuế - kho bạc – ngân hàng, giảm thời gian thủ tục hành chính của người dân từ 6 ngày xuống còn 3,5 ngày và từ dịch vụ công mức độ 3 được nâng lên dịch vụ công mức độ 4. Hoặc với chuyên đề “Cầu Giấy chứng thực trả kết quả ngay” tại quận và 8 phường thuộc quận, theo đó, các hồ sơ, giấy tờ của người dân chứng thực 13/76 được trả ngay.

Năm 2023, quận triển khai sáng kiến “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính tại quận Cầu Giấy” (AI Chatbot), người dân có thể hỏi - đáp 24/7...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam kết, đồng hành cùng Hà Nội chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.