Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảm Hiếu Đường, hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội

Thủy Tiên| 24/01/2010 05:29

(HNM) - Ngày 14-3-1869, một sự kiện gây xôn xao không chỉ ở Bắc Kỳ mà cả ba miền đó là việc ra đời hiệu ảnh đầu tiên do người Việt Nam làm chủ của ông Đặng Huy Trứ ở phố Thanh Hà.

Danh nhân Đặng Huy Trứ (1825-1874).

Đặng Huy Trứ (1825-1874) tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trại người làng Thanh Hương nay là xã Hương Xuân, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1847, ông đỗ thi Hương và thi Hội nhưng đến khi thi Đình thì bị phạm húy nên bị cấm thi trọn đời. 8 năm sau, nhờ một vị quan tâu vua xin cho ông được thi lại và đỗ tiến sỹ năm 1855. Ông là một nhà Nho yêu nước chống Pháp thế kỷ XIX. Dù là nhà Nho nhưng ông có tư tưởng canh tân. Phan Bội Châu đã đánh giá ông là “một trong những người trồng mầm khai hóa đầu tiên của Việt Nam”. Tư tưởng của ông thể hiện trong 3 lĩnh vực là quân sự, kinh tế và xã hội. Với kinh tế, ông tâm đắc “Làm ra của cải là đạo lý lớn, không thể coi thường”. Cả đời làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm. Ông tự nhủ :

Chức phận không trong khác chi loài vật
Ăn không làm nhục đó chớ quên.

Và cũng tự răn:

Mình thiệt, lợi dân. Dân gắn bó
Đẽo dân mình lợi. Dân căm hờn.

Năm 1866, nhân dịp sang Trung Quốc ông đã chụp hai tấm ảnh ở Hương Cảng. Những bức ảnh làm ông mất ngủ và ông đã hỏi rất kỹ cách chụp, in tráng vì ông có ý định mở cửa hàng. Năm 1867, ông lại được nhà Nguyễn cử đi công cán Trung Quốc và lần này ông nhờ thợ ảnh ở Quảng Đông mua hộ máy và vật tư. Ông mở hiệu ảnh ở Hà Nội vì cuộc đời làm quan của ông phần lớn ở đất Bắc và nhiều năm ở Hà Nội. Trước cửa hiệu ông Trứ treo đôi câu đối:

Nhân yên trù mật Thanh Hà phố
Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường.
(Thanh Hà phố ấy dân trù mật
Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng).



Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng
ảnh giai tiếu tượng thế tương truyền.
(Hiếu thờ cha mẹ người người muốn
ảnh giống chung nhau mãi mãi truyền).

Trong di sản Hán Nôm thế kỷ XIX, có lẽ đó là bài văn quảng cáo duy nhất phục vụ cho kinh doanh. Khách hàng của ông ban đầu là các gia đình giàu có và cả các quan trong triều từ Huế ra công cán Hà Nội. Ông tự thao tác hết mọi công đoạn. Cho đến nay, các tấm ảnh ông tự chụp cho ông vẫn còn được lưu giữ tại bảo tàng ở Pháp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảm Hiếu Đường, hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.