Nông nghiệp - Nông thôn

Cam Canh chỉ còn trong ký ức người Canh

Nguyễn Mai 05/12/2023 17:56

Từ hàng chục năm về trước, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) nổi tiếng với đặc sản cam Canh. Quá trình đô thị hóa, người Vân Canh ngày nay không còn nhiều hộ làm nông nghiệp. Thương mại dịch vụ về làng, đời sống người dân nhiều đổi thay. Đặc sản xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người cao tuổi...

7ea2f1dd0433ad6df422.jpg
Xã Vân Canh (huyện Hoài Đức).

Cam Canh là loại quả khi chín có màu đỏ ối, vỏ mỏng, quả mọng nước và có vị ngọt đậm. Hằng năm, cứ độ từ trung tuần tháng Một âm lịch cho đến hết tháng Chạp, cam Canh chín dần, chuyển từ màu xanh sang màu vàng rồi đỏ ối khắp vườn. Tùy theo độ tuổi, mỗi cây cam có thể cho từ 100 đến 1.000 quả mỗi vụ.

Những ngày cuối năm, tại các sạp hoa quả ngoài chợ, cam Canh được bày bán rất nhiều, nhưng tìm về mảnh đất Vân Canh - quê hương của loại quả đặc sản này thì cam Canh chỉ còn trong hoài niệm của những người cao tuổi.

Nhắc tới cam đặc sản địa phương, ông Đàm Văn Hà, 63 tuổi, thôn An Trai, xã Vân Canh tự hào nói: “Làng tôi xưa, gia đình nào cũng trồng một vài cây cam trong vườn nhà. Tôi còn nhớ năm 10 tuổi (khoảng năm 1970), vườn nhà có 7 gốc cam rất to. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, cam bắt đầu chín đỏ, rất thơm... Mẹ tôi vẫn hái cam ra chợ làng bán. Sau này, một số gia đình ở thôn Hậu Ái vẫn trồng cam. Đó là khoảng năm 2005, giá 1kg cam lên tới 120 nghìn đồng, mà phải đặt trước mới mua được. Trong khi đó, cam của nơi khác mang về làng Canh chỉ bán 25 nghìn đồng/kg”.

van-canh-1.jpg
Một vườn cam Canh ở xã Vân Canh. Ảnh chụp năm 2006.

Không chỉ với ông Đàm Văn Hà, đặc sản cam làng Canh còn in đậm trong ký ức của rất nhiều người cao tuổi ở Vân Canh. Anh Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Canh nhớ lại: “Ngày nhỏ, tôi từng được ăn quả cam trồng ở Canh. Cam Canh vỏ mỏng, mùi rất thơm, ai lỡ lén hái sẽ khó giấu...”.

Giải thích về chất lượng thơm ngon của cam Canh, nhiều người cao tuổi ở làng đều khẳng định, thổ nhưỡng ở làng Canh là đất thịt nhẹ, rất phù hợp với cây cam và bưởi. Hơn nữa, người làng có kỹ thuật chăm bón công phu, thường sử dụng phân bón hữu cơ ủ hoai mục kết hợp bổ sung đạm từ đậu tương, ốc vặn ngâm. Nhờ kỹ thuật đó, cam Canh mang hương thơm mát, vị ngọt thanh khiết, mỏng vỏ, khó nơi nào có được. Ngay như với cách bảo quản, người làng Canh cũng có bí quyết riêng. Sau khi thu hái, người làng dùng rượu lau sạch vỏ quả, xếp trong giấy báo cũ, cam có thể giữ được tới 2 tháng vẫn ngon.

img_0084.jpg
Những vườn cam Canh ở xã Vân Canh. Ảnh chụp năm 2006

Tiếc rằng, đặc sản quý của làng đã mai một. Theo lý giải của người dân địa phương, từ khoảng năm 1970, một số nhà máy sản xuất gạch ngói được xây dựng trên địa bàn, cam Canh bị ảnh hưởng khói lò, năng suất giảm, thậm chí chết dần; cộng với sau này, quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, quỹ đất trồng cam nhường lại cho các dự án phát triển đô thị. Đối với đất vườn hộ, các gia đình cũng phải chia nhỏ cho các con xây dựng nhà cửa. Làng Canh bây giờ như phố, nhà cửa san sát, rất ít gia đình có đất rộng để làm vườn... Đó là những nguyên nhân khiến cây đặc sản của quê hương không rộ như xưa.

Nỗ lực bảo tồn cây ăn quả đặc sản của địa phương, ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Canh cho biết: “Từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, khi tôi làm Phó Chủ tịch UBND xã, Vân Canh đã rà soát diện tích trồng cam; đồng thời, chúng tôi gặp gỡ các cụ cao niên hiểu biết về cây trồng này để tìm hiểu và đề đạt nguyện vọng sưu tầm các gốc cam Canh, song rất tiếc, lúc đó, những cây cam của làng không còn nhiều".

f1eabb0b4de5e4bbbdf4.jpg
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Canh Nguyễn Đình Chiến giới thiệu những hình ảnh về đặc sản cam Canh địa phương.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Canh Nguyễn Đình Chiến, năm 2008, Hợp tác xã Vân Canh đã làm hồ sơ đăng ký thương hiệu “Cam Canh truyền thống”. Hồ sơ được xây dựng nhưng khi cơ quan chức năng về khảo sát diện tích trồng cam và ghi nhận còn rất ít, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường nên chưa được xét duyệt”.

Anh Nguyễn Đình Chiến cho biết, làng Canh hiện còn một số hộ trồng cam nhưng không còn cây gốc Canh xưa, mà các hộ phải mua giống bên khu vực gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam (huyện Gia Lâm) về trồng. Tuy không giữ được giống gốc, nhưng do được trồng trên đất Canh cùng những kinh nghiệm quý cha ông truyền lại nên chất lượng vẫn tương đối tốt so với cam trồng ở các vùng miền khác.

Tuy vậy, người trồng cam ở Vân Canh đối diện không ít khó khăn. Anh Nguyễn Thế Dũng - hộ trồng cam ở thôn Kim Hoàng cho biết: “Đất Canh giờ đây chật hẹp, diện tích đất nông nghiệp còn lại kẹt giữa các khu đô thị nên thường xuyên ngập úng. Năm ngoái, do mưa ngập, gia đình tôi bị hỏng một vườn cam. Dự kiến sau Tết, tôi sẽ mua giống về gây lại vườn”.

Xã Vân Canh đang thực hiện các tiêu chí chuyển từ xã lên phường, sản xuất nông nghiệp giờ chiếm tỷ trọng rất ít trong cơ cấu kinh tế. Người dân chuyển đổi sang nhiều nghề, đặc biệt là dịch vụ, mang lại thu nhập cao. Dù vậy, trong nhịp sống hiện đại, cam Canh vẫn gợi lại trong người dân ở Vân Canh những ký ức đẹp, như động lực để một số hộ tiếp tục duy trì số ít vườn cam còn lại ở địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam Canh chỉ còn trong ký ức người Canh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.