(HNMO) – Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm cấm mọi hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ; quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hoá, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên…
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua chiều 17/11.
Luật gồm có 6 chương, 51 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật quy định 8 hành vi bị cấm, trong đó cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác; quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hoá, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng; ép buộc người tiêu dùng; yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hoá, dịch vụ đã cung cấp mà không có thoả thuận trước với người tiêu dùng; kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng...
Luật cũng quy định người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm: Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng điều chỉnh, cập nhật thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác; Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng, Luật quy định các tổ chức, cá nhân này phải: Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai giá hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; Cảnh báo khả năng hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa; Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hoá; Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hoá, dịch vụ có bảo hành; Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.
Về tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật khuyến khích việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của mọi đoàn thể, tổ chức, không loại trừ việc tham gia của bất kỳ tổ chức nào, trong đó có hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Để tránh hành chính hóa việc tham gia của một tổ chức xã hội cụ thể vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật cũng quy định, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội phải theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Luật quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật này. Vụ án được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ trường hợp Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có đủ các điều kiện sau đây: Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.