(HNM) - Năm 2015 đánh dấu một bước chuyển khá mạnh về việc cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, nhằm tạo ra điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động. Đây cũng là yêu cầu quan trọng cần tiếp tục thực hiện, với đòi hỏi ở mức độ cấp thiết hơn trong năm kế hoạch 2016.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã đạt một số tiến bộ trong việc nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư; trong đó, tập trung vào thu hút vốn tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài. Đơn cử, năm 2015 ngành chức năng đã rút ngắn thời gian làm thủ tục và thực hiện việc cấp điện đối với khách hàng, đưa Việt Nam lên vị trí 108/189 quốc gia về chỉ số tiếp cận điện năng, tăng 22 bậc so với năm trước. Các DN đánh giá rất tích cực về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN tại Việt Nam.
Năm 2016, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả công tác nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của năm, với quyết tâm huy động tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng. Trong đó, phấn đấu đưa chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 xét theo tiêu chí thông lệ quốc tế; đặc biệt là cố gắng đưa hoạt động khởi sự kinh doanh đứng vào nhóm 60 nước đứng đầu, bảo vệ nhà đầu tư trong nhóm 50 nước đứng đầu, chỉ số tiếp cận tín dụng trong nhóm 30 nước đứng đầu. Bên cạnh đó, thời gian nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc cũng sẽ rút xuống không quá 168 giờ trong mỗi năm; cơ quan quản lý cũng hướng tới mục tiêu đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày). Bộ Tài chính chỉ đạo và quyết tâm triển khai thực hiện việc giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày thông qua đơn giản quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất, nhập khẩu, hải quan. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc cải cách thủ tục hành chính được xác định là mục tiêu quan trọng và liên tục, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu của DN, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh và phù hợp tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.
Để hoàn thành những mục tiêu trên, đòi hỏi sự quyết tâm cũng như phối hợp đồng bộ từ cấp điều hành vĩ mô, cơ quan chức năng đến cộng đồng DN. Chính phủ thống nhất tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý đã được chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho DN và người dân. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN, nhất là DN quy mô nhỏ và vừa thuộc khu vực dân doanh chính là động lực phát triển của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Các DN mong muốn nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh cũng như nâng cao sức mạnh để tồn tại trong bối cảnh hội nhập quốc tế với mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.