Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện môi trường du lịch: Thiếu quyết liệt, khó triệt để

Thu Trang| 07/06/2013 05:59

(HNM) - Ngày 6-6, hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì đã được triển khai tại các điểm cầu là những trung tâm du lịch lớn trên cả nước.

Du khách nước ngoài thích thú khi trực tiếp làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Gia Hiếu


Siết chặt thì giảm, buông lỏng lại tăng

Ngay từ phần mở màn hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng du lịch của chúng ta chậm lại. Trong tháng 1, khách quốc tế đến Việt Nam tăng thấp (2,2%) so với cùng kỳ, đến tháng 2 giảm 1,8%, tháng 3 tăng nhẹ (1,6%) nhưng tháng 4 lại giảm 2,4%. Nhìn chung, 5 tháng khách quốc tế giảm 1,4%. Trong khi kinh tế khó khăn thì môi trường du lịch trong nước lại không có những cải thiện phù hợp.

Báo cáo của 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu đều cho thấy, sự nhức nhối của nạn "chặt chém", đeo bám du khách đáng báo động hơn bao giờ hết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Thậm chí, trong mỗi báo cáo, các địa phương cũng đưa ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng những giải pháp dường như chỉ quyết liệt… trên giấy.

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, chỉ trong tháng 4 và 5 vừa qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra hiện tượng một số lái xe xích lô "dù", taxi, khách sạn trong phố cổ, người bán hàng rong có hành vi đeo bám, chèo kéo, "chặt chém", thậm chí lừa đảo, đe dọa khách du lịch. Xuất phát từ thực tế nhân lực tham gia dịch vụ du lịch tại thành phố chủ yếu chưa được tập huấn và trang bị về kiến thức chuyên môn. Mặt khác, Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước với hơn chục triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch hàng năm. Hoạt động của du khách nhìn chung không giới hạn về địa bàn, không gian cũng như thời gian, đồng thời các hoạt động lại rất đa dạng, liên quan tới nhiều lĩnh vực nên khó khăn cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm du lịch cũng như bảo đảm an toàn, an ninh đầy đủ cho mọi du khách. Thêm vào đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn hành vi vi phạm về bán hàng rong, chèo kéo, ép khách chỉ bị tạm giữ hành chính không quá 12 giờ và xử phạt ở mức tối đa 100-150 nghìn đồng.

Chung quan điểm, theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh, để dẹp nạn cướp giật hoành hành, ngành du lịch thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND các quận trọng điểm vào cuộc quyết liệt. Thế nhưng, đến tháng 5, chiến dịch buông lỏng, lập tức tình trạng xâm phạm tài sản của du khách tăng lên. "Nếu chỉ phát động thành chiến dịch trong một thời gian ngắn mà không làm quyết liệt, thường xuyên và liên tục thì rất khó để dẹp bỏ những vấn nạn trên", ông Lã Quốc Khánh nhận định.

Khách quốc tế tham quan du lịch Hội An. Ảnh: Như Ý


Thành lập cảnh sát du lịch - Bao giờ?

Đưa ra những giải pháp cũ như tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, lập đường dây nóng… nhưng riêng đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch nhận được sự nhất trí cao. Nhiều đại biểu cho rằng, ngành du lịch không đủ thẩm quyền, năng lực xử lý tình trạng đeo bám, "chặt chém" du khách. Trong khi đó, lực lượng chức năng dường như vẫn xem nhẹ chuyện này. Vì vậy, chỉ có cảnh sát du lịch mới có thể ngăn ngừa tất cả hiện tượng ở xã hội xâm hại đến du khách.

Trên thực tế, ở những nước trong khu vực, việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch là cần thiết để tham gia và trấn áp kịp thời những hành vi xâm hại tài sản và tính mạng của khách. Lực lượng này vừa có tác dụng tạo dựng hình ảnh, tạo sự an tâm, đồng thời có tác động thiết thực đến những trường hợp cụ thể, có thể hỗ trợ du khách ngay tức khắc. Ông Lã Quốc Khánh dẫn chứng, trong 20 năm nay, nước "láng giềng" Thái Lan đã áp dụng thành công mô hình này, Campuchia hiện cũng đang triển khai thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, còn Việt Nam thì đề xuất đã lâu nhưng vẫn chưa thực hiện.

Trước đề xuất trên, Phó Thủ tướng nhận định, từ nay hết quý IV, Bộ VH,TT&DL xem xét và rà soát lại trong quy chế hiện nay, có thể giao cho lực lượng cảnh sát trật tự tham gia đảm nhiệm thêm chức năng bảo đảm an toàn cho ngành du lịch. Đây là nhiệm vụ không có trong chức năng của họ, do vậy địa phương và ngành du lịch xem xét có kinh phí để hỗ trợ lực lượng này.

Chiến dịch "lấy nụ cười của du khách"

Trong các địa phương trọng điểm về du lịch, thì Hội An và Đà Nẵng được đánh giá là những đơn vị có môi trường du lịch "sạch". Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn, địa phương nào chỉ đạo sát sao, quyết liệt, phân công cụ thể, có phương án tổ chức, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời phát huy vai trò người đứng đầu thì ở đó môi trường du lịch an toàn, thân thiện.

Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, thời gian qua chính quyền đô thị cổ Hội An đã tổ chức nhiều gói tập huấn kỹ năng, giao tiếp cho người bán hàng, xích lô. Ngoài ra, địa phương cũng ban hành quy chế "xây dựng điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh" có sự thanh, kiểm tra, gắn biển và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách biết. Đặc biệt, tại các điểm đón khách du lịch đều có gắn biển niêm yết giá các dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn. Ngoài ra, thành lập đội liên ngành du lịch, công an, thuế kiểm tra sát sao các hộ kinh doanh. Đặc biệt, địa phương đã đưa ra những biện pháp mạnh, đơn vị vi phạm có thể bị đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh.

Tại hội nghị này, Bộ VH,TT& DL đưa ra chiến dịch "Việt Nam vẻ đẹp bất tận - an toàn, thân thiện" để "kéo" khách đến nhà và "giữ chân" du khách. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần làm thế nào để du khách đến đây phải cười. Phải coi nụ cười của du khách là tương lai của du lịch Việt Nam.  

Đối với hành vi vi phạm về bán hàng rong, đánh giày, chèo kéo khách, tính riêng từ tháng 11-2012 đến tháng 4-2013, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng đã phạt 106 đối tượng. Với hành vi vi phạm của xe taxi, trong năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 2.418 trường hợp, trong đó có trên 600 trường hợp liên quan đến taxi "dù" và taxi tính cước gian lận, xử phạt 1,4 tỷ đồng.

Hà Nội lọt vào top 10 thành phố có tour ẩm thực hấp dẫn

Trang web lonelyplanet.com vừa đưa món ăn vỉa hè Hà Nội vào danh sách 10 thành phố có tour ăn uống tốt nhất thế giới. Tour ẩm thực này bắt đầu từ chợ Châu Long với “mê cung” các địa điểm thưởng thức những món ăn nổi tiếng như phở, bánh cuốn, bún chả… và kết thúc ở quán Duy Trí với món sữa chua cà phê thơm ngon.

Xuân Lộc
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện môi trường du lịch: Thiếu quyết liệt, khó triệt để

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.