(HNM) - Thực hiện đề án chỉnh trang đô thị, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố. Quá trình này đã nhận được nhiều thông tin phản ánh khác nhau…
- Ông có thể nói rõ hơn về đề án cải tạo, thay thế cây xanh đang thực hiện trên một số tuyến phố?
- Trước hết, xin nhấn mạnh về cơ sở pháp lý, TP Hà Nội đã thông qua quy hoạch phát triển hệ thống công viên, cây xanh trên địa bàn; trong đó, nêu rõ các chỉ tiêu phát triển cây xanh tính trên đầu người, xác định hệ thống công viên, hệ thống cây xanh đô thị, xác định chủng loại cây đô thị và nhiều vấn đề khác. Từ cơ sở pháp lý này, đồng thời thực hiện đề án chỉnh trang đô thị, thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất thành phố triển khai cải tạo, thay thế cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng đến giao thông; cây không đúng chủng loại cây đô thị phải thay thế bằng loại cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đã được duyệt. Sở Xây dựng cũng đề xuất thành phố thực hiện trong vòng 3 năm, từ 2015 đến 2017, với kinh phí dự tính xấp xỉ 60 tỷ đồng. Hiện nay, đề án đang thực hiện trên 17 tuyến phố, đều do các doanh nghiệp, tổ chức đóng góp kinh phí theo phương thức xã hội hóa, thành phố chưa phải bố trí kinh phí.
Một dãy cây xanh được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Như Ý |
- Thưa ông, việc trồng cây xanh đô thị được thực hiện theo phương thức xã hội hóa liệu có bảo đảm về kỹ thuật cây chặt hạ, thay thế đúng chủng loại?
- Trên cơ sở đề án được duyệt, Sở Xây dựng Hà Nội lựa chọn trong 40 chủng loại cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng phê duyệt 15 chủng loại cây xanh trồng trên địa bàn. Mỗi tuyến phố trước khi thực hiện đều khảo sát, đánh giá cụ thể để xây dựng phương án, kế hoạch. Cây sâu mục, không đúng chủng loại cây đô thị, cây do người dân tự trồng làm mất mỹ quan, cây cong nghiêng không bảo đảm an toàn được phép chặt hạ. Cây phù hợp chủng loại cây đô thị nhưng để đồng bộ tuyến phố sẽ được đánh chuyển về nơi quy định và trồng trên tuyến phố khác.
|
Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, cây đô thị phải có chiều cao tán 4-5m, thân thẳng, đường kính thân từ mặt đất đến 1,3m từ 8 đến 10cm. Tuy nhiên, Hà Nội lựa chọn tiêu chuẩn cao hơn, đường kính thân từ 15 đến 20cm, chiều cao tán 6-8m để bảo đảm không ảnh hưởng đến giao thông. Cây chặt hạ xong được tập kết về kho, bãi, chờ Sở Tài chính bán đấu giá công khai, thu hồi cho ngân sách. Sau khi hoàn thành trồng thay thế, cây xanh được bàn giao cho Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội quản lý, duy trì, chăm sóc. Toàn bộ thực hiện theo quy trình kỹ thuật.
- Dư luận cho rằng, có nhiều cây cổ thụ, cây đã lâu năm vẫn còn "khỏe" cũng bị chặt hạ?
- Theo tôi hiểu, dự luận phản ánh cây cổ thụ bị chặt hạ, có lẽ là nói đến tuyến Nguyễn Trãi và Cầu Giấy - Xuân Thủy, vì đề án cải tạo thay thế cây xanh chủ yếu triển khai trong khu vực đô thị "lõi" và không có cây cổ thụ nào bị chặt hạ. Thứ nữa, cây cổ thụ được quản lý chặt chẽ nên muốn chặt tỉa phải được sự đồng ý của UBND thành phố. Riêng tuyến Nguyễn Trãi và Cầu Giấy, việc chặt hạ một số cây cổ thụ là để bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, theo đề nghị của Ban quản lý dự án. Trước khi cho phép chặt hạ, Sở Xây dựng phải báo cáo UBND thành phố và được UBND thành phố cho phép.
Còn đối với đề án thay thế cây xanh, tập trung vào nhóm cây sâu mục, già cỗi, cây chết; cây cong nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông; cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây do người dân tự trồng không phù hợp với đô thị. Sở Xây dựng là cơ quan quản lý chuyên ngành cùng Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, chính quyền địa phương và các ngành liên quan thành lập các tổ công tác khảo sát trực tiếp từng tuyến phố. Hiện trạng cây xanh đô thị hiện có khoảng 70 loài, trong đó có các cây trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô, đến nay đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị hỏng, rất nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa bão, nhất là loại cây xà cừ. Mới nhất, trong mùa mưa bão 2014, một cây xà cừ lớn gẫy đổ đè bẹp 1 chiếc taxi đang lưu thông trên đường rất may không có thiệt hại về người. Thứ nữa, nhiều cây cong nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, xà cừ, long não… Đặc biệt, nhiều tuyến phố tồn tại loại cây lâm nghiệp không phải cây đô thị, chẳng hạn cây keo trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh. Do là cây lâm nghiệp nên tuổi thọ của cây ngắn, cành giòn dễ gẫy, nguy hiểm cho người đi đường. Hoặc cây do người dân sống hai bên đường tự trồng như dâu da, vông, bông gòn, trứng cá… tán cây thấp cản trở phương tiện lưu thông; rụng lá, quả làm mất vệ sinh môi trường…
Hàng cây mới trồng trên phố Kim Mã. |
- Đồng loạt chặt hạ, thay thế 6.700 cây, liệu có quá nhiều không, thưa ông?
- Trên địa bàn thành phố có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát được trồng trên 3.000km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ. Qua rà soát của Công ty Công viên Cây xanh, có khoảng 6.700 cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng, không đúng chủng loại đô thị cần thay thế, chiếm tỷ lệ khoảng 5,5% là không lớn. Tuy nhiên, con số thực tế thực hiện có lẽ chỉ khoảng một nửa số đó, vì thành phố chọn những tuyến phố quan trọng triển khai. Trong số những cây cần thay thế, chọn trước những cây sâu mục, cong nghiêng mất an toàn, cây không đúng chủng loại đô thị do người dân tự trồng gây mất mỹ quan đô thị để ưu tiên chứ không phải làm đồng loạt cả 6.700 cây. Hiện, tổng cộng đã thay thế khoảng 700 cây.
Về những ý kiến đóng góp, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng rà soát việc thay thế cây xanh bảo đảm đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Trước khi triển khai, Sở Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Sắp tới, Sở Xây dựng dự kiến thay đổi phương thức thực hiện, gắn biển công khai cây cần thay thế, thay bằng chủng loại cây gì, thời gian thực hiện... để người dân giám sát.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Công ty Công viên Cây xanh: Bình quân mỗi năm chặt hạ 500 - 1.000 cây sâu mục, chết khô, nghiêng nguy hiểm (HNM) - Ngày 19-3, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, ngoài đề án cải tạo, thay thế cây xanh đang thực hiện xã hội hóa, công ty thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, duy trì thường xuyên hệ thống cây xanh đô thị: Quý I năm 2015, đã cắt sửa theo kế hoạch 1.339 cây; cắt sửa theo công văn 250 cây (trong đó có 97 cây phục vụ thanh thải đường dây đi nổi); chặt hạ 137 cây sâu mục, gãy đổ, chết. Theo kế hoạch phòng chống lụt bão, công ty đã khảo sát và dự kiến cắt tỉa 7.003 cây nghiêng, nguy hiểm, nặng tán, cành khô, vướng đèn tín hiệu giao thông; dự kiến kế hoạch chặt hạ 424 cây đổ, cây chết trong năm 2015. Y Linh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.