(HNM) - Là nơi tham quan, vui chơi giải trí của người dân, song sau thời gian dài được đưa vào sử dụng, đến nay nhiều công viên, vườn hoa đã xuống cấp. Thế nhưng, công tác cải tạo công viên, vườn hoa lâu nay vẫn chỉ là sửa chữa chắp vá tạm thời...
Nhiều công viên xuống cấp
Sáng thứ bảy (ngày 5-10), gia đình chị Nguyễn Minh Phương (phòng 702B, chung cư Đại Kim Building, quận Hoàng Mai) đưa con đi chơi Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình). Công viên có nhiều cây xanh, hồ nước, nên chị rất thích khi cho con đến đây vui chơi. Song, điều chị không hài lòng là tại một số khu vực, nhất là bên đảo, đường dạo đã xuống cấp, có đoạn gạch lát nứt gãy, lún sụt được sửa tạm thời, chắp vá bằng xi măng... Thừa nhận tình trạng này, ông Bùi Quang Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội) cho biết, Công viên Thủ Lệ hình thành cách đây hơn 40 năm (từ năm 1976), đến nay nhiều vị trí đã xuống cấp.
Không riêng Công viên Thủ Lệ, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Công viên Thống Nhất cho thấy, đường dạo bằng gạch block ven hồ bị lún, vỡ, sạt lở... Bó vỉa bê tông dọc hai bên đường một số vị trí bị gãy nứt; nền đường dạo lát bằng gạch terrazzo bị bong bật... gây nguy hiểm cho người tham quan.
Đánh giá về hiện trạng chung của các công viên, vườn hoa, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) nhận xét, nhìn chung hệ thống công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, hư hỏng nhiều vị trí, không bảo đảm an toàn cho người dân. Khảo sát của Sở Xây dựng mới đây cho thấy, tại Công viên Bách Thảo, qua nhiều năm sử dụng, có khoảng 150m bờ kè quanh đảo hồ tròn đã hư hỏng, lún sụt, 372m2 nền gạch terrazzo trên đảo bị hư hỏng. Kè chân núi Nùng được xây dựng từ những năm 1990 với chiều dài 1.745m hiện có một số vị trí bị nứt vỡ. Khoảng 2.500m2 đường trải nhựa, 180m2 đường dạo lát gạch terrazzo bị hư hỏng, nhiều chỗ bị trũng đọng nước. Tại Công viên Thành Công, hầu hết đường dạo lát bằng gạch terrazzo, gạch block trong công viên đã bong bật, hư hỏng nặng, diện tích hư hỏng khoảng 4.000m2. Tại Vườn thú Hà Nội, hệ thống các chuồng nuôi thú đa số được xây dựng từ những năm 1980 nay đã xuống cấp, không đáp ứng được sự phát triển, bổ sung thêm thú nuôi để phục vụ nhân dân...
Mới sửa chữa cục bộ
Nhìn chung, nguyên nhân chính của tình trạng trên là công tác duy tu, duy trì công viên vẫn mang tính tạm thời, chắp vá. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, năm nào thành phố cũng dành một khoản kinh phí cho công tác cải tạo công viên. Song, khoản ngân sách này không nhiều, nên các đơn vị chủ yếu vẫn là sửa chữa tạm thời, cục bộ những vị trí hư hỏng, như: Vỉa hè, đường dạo, ghế đá, bóng đèn, thiết bị vệ sinh..
Về vấn đề này, ông Ma Kiên Hán - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất) cho biết, công viên được đầu tư cải tạo nâng cấp sửa chữa lớn nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ đó đến nay, hằng năm công viên cũng được duy tu sửa chữa nhỏ, tuy nhiên với diện tích gần 50ha thì kinh phí được cấp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tương tự, ông Bùi Quang Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội) chia sẻ, ngoài ngân sách thành phố phân bổ, những năm gần đây, Công ty còn đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cảnh quan trong vườn thú bằng nguồn vốn của đơn vị. Cụ thể, bên cạnh duy trì, tạo cảnh quan các bồn hoa, thảm cỏ, tiểu cảnh, từ năm 2017, một số chuồng trại nuôi nhốt thú đã được đơn vị nâng cấp thay thế dần lưới B40 bằng kính cường lực để khách tham quan dễ dàng quan sát thú, ngăn được mùi hôi của động vật... Song thực tế, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể sửa chữa tổng thể, nhiều hạng mục tiếp tục xuống cấp.
Trước thực trạng xuống cấp tại các công viên, vườn hoa trong thời gian qua, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, liên sở: Xây dựng - Tài chính vừa có tờ trình UBND thành phố về việc phê duyệt danh mục công trình cải tạo, sửa chữa hệ thống công viên, vườn hoa do thành phố quản lý theo phân cấp, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách thành phố. Theo đó, có 9 công viên (Định Công, Bách Thảo, Tuổi Trẻ, Thành Công, Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nguyễn Trãi, Thống Nhất, Thủ Lệ) và 6 vườn hoa (Trúc Bạch, Tao Đàn, Thanh Niên, Ngọc Lâm, vườn hồ Thiền Quang, vườn Trung tâm Hành chính quận Hoàng Mai) được lên kế hoạch sửa chữa chống xuống cấp trong năm 2020. Ngoài ra, kế hoạch cải tạo tổng thể Công viên Thành Công cũng đang được Sở Xây dựng phối hợp với các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận Ba Đình nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố xem xét lập dự án đầu tư, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bên cạnh đó, cũng có thể tham khảo một số giải pháp mà các quận, huyện đã chủ động triển khai. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận có 13 vườn hoa, hiện 12/13 vườn hoa theo phân cấp do Sở Xây dựng quản lý. Tuy nhiên, do nhiều vườn hoa đã xuống cấp, nên từ năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã chủ động đề xuất thành phố cho phép quận được cải tạo, chỉnh trang các vườn hoa này bằng nguồn vốn ngân sách quận và xã hội hóa. Sau khi hoàn thành chỉnh trang, quận sẽ bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý sau đầu tư theo phân cấp. Đề xuất này đã được UBND thành phố chấp thuận. Hiện, quận đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ đầu tư thí điểm cải tạo Vườn hoa Tây Sơn (phố Tràng Thi - Quang Trung); dự kiến, cuối năm 2019 sẽ thi công. Sau thí điểm cải tạo Vườn hoa Tây Sơn, quận sẽ báo cáo UBND thành phố để cải tạo các vườn hoa còn lại.
“Ngoài ra, quận cũng lập dự án cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến, trong quý IV-2019 sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư, triển khai thi công chống sụt lún kè hồ Hoàn Kiếm”, ông Phạm Tuấn Long thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.