Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái nhìn nhân văn về vụ án Lệ Chi Viên

Lâm Đại| 25/02/2011 07:03

(HNM) - Vở "Đêm của bóng tối" đã được Nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt hôm đầu tuần. Được thực hiện bởi êkip hàng đầu của Kịch nghệ nước nhà, lấy đề tài từ vụ án Lệ Chi Viên, tác phẩm hứa hẹn là vở đáng xem trong năm của sân khấu kịch phía Bắc.

Vụ án Lệ Chi Viên cùng nỗi oan khuất của gia đình Nguyễn Trãi đã đi vào nghệ thuật cả 600 năm nay. Nếu như các bài thơ, phú, tác phẩm sân khấu như "Rạng ngọc Côn Sơn" (cải lương, Nhà hát Trần Hữu Trang) hay "Oan khuất một thời" (chèo, Nhà hát Chèo Hà Nội)… đều là những tác phẩm nghệ thuật minh oan cho Nguyễn Trãi, đồng thời ca ngợi "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo", thì "Đêm của bóng tối" lại là cái nhìn đầy nhân văn xoay quanh nhân vật Nguyễn Thị Lộ. Sử sách ghi lại, nhân cớ Nguyễn Thị Lộ - người thiếp của Nguyễn Trãi - được Vua Lê Thái Tông quý trọng, hoàng hậu và gian thần đã đổ lỗi cho gia đình Nguyễn Trãi hại vua, dẫn đến bị tru di tam tộc. "Đêm của bóng tối" cố gắng hóa giải mọi oan khuất bấy lâu về Thị Lộ.

Vở diễn bắt đầu bằng cảnh Nguyễn Trãi từ quan xin về Côn Sơn ở ẩn. Bọn gian thần bày kế cho vua giữ Nguyễn Thị Lan (trong vở này, Thị Lộ được gọi là Thị Lan) làm quan dạy nghi lễ trong hậu cung nhằm chia rẽ vợ chồng Nguyễn Trãi, đồng thời gieo rắc mối nghi ngờ, ghen ghét trong hoàng hậu. Lần đầu gặp Thị Lan, vị vua trẻ đã ngỡ ngàng trước sắc đẹp, tài thơ phú, hiểu biết của bà. Dần dần, sự cảm mến của vua đã thành tình yêu dành cho vợ Nguyễn Trãi. Trong khi Vua Lê tìm mọi cách để có được Thị Lan thì bà chỉ một lòng hướng về đức phu quân. Thị Lan trốn về Côn Sơn, nhưng vị vua trẻ đã tìm về tận nơi để rồi nhận lấy cái chết từ mưu sâu kế hiểm của Hoàng hậu Thị Anh, gây nên tai họa oan nghiệt cho đại gia đình Nguyễn Trãi.

Tối giản mọi chi tiết về thời cuộc, chính sự rối ren, tác giả kịch bản Lê Chí Trung tập trung khai thác những yêu tố tâm lý của các nhân vật. Một vị vua si tình tới mức "vì nàng mà ta có thể đạp đổ cả giang sơn"; một Thị Lan chung thủy, một Thị Anh mưu hiểm quyết đưa con mình lên ngai vàng…, những nguyên cớ rất nhỏ, rất "đời" ấy đã tạo nên oan nghiệt. Vở diễn còn gài những chi tiết hài hước như sự xuất hiện của hoạn quan Lê Đa; sự nhõng nhẽo, ngu dốt của thái tử con Thị Anh… làm giảm bớt sự căng thẳng của một vở bi kịch.

Không phải vô cớ mà "Đêm của bóng tối" xuất hiện rất nhiều hình ảnh cánh hoa sen. Phông nền vở diễn là hình đầm sen, cánh sen chao đảo khi vợ chồng Nguyễn Trãi chia lìa, cánh sen bay bổng khi vua phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn Thị Lan, Thị Lan tắm trong sen… Cánh hoa như tượng trưng cho tấm lòng tinh khiết "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" của Thị Lan. Đạo diễn Lê Hùng - Bạch Lan khéo léo tạo ra nhiều hình ảnh giàu sức gợi trong từng tình huống kịch. Chỉ một hành động giẫm lên lưng lính mà lột tả được tâm địa lang sói của lũ gian thần, chỉ một tấm lụa trắng giằng co mà biểu lộ được nỗi lòng của vua, của Thị Lan… Vở diễn có nhiều cảnh tạo hình đẹp, nếu tách riêng cũng có thể trở thành một tác phẩm trình diễn của nghệ thuật đương đại như cảnh Thị Lan với tấm lụa đỏ được chiếu bởi vòng tròn ánh sáng giữa bốn bề bóng tối; cảnh vua quỳ gối giữa các vị sư trong tiếng tụng kinh vang vọng... Điều đáng tiếc duy nhất ở đây chính là cách xây dựng hình ảnh Nguyễn Trãi đau buồn từ đầu tới cuối, khiến người xem có cảm giác Ức Trai chấp nhận bi kịch, chứ không ngang tàng, ngạo nghễ đón nhận sự rối ren của thời thế.

Dù sao, "Đêm của bóng tối" cũng là một tia sáng bừng lên trong không khí ảm đạm bấy lâu của sân khấu kịch phía Bắc. Những ai đã từng xem "Đêm của bóng tối" đều hy vọng đây là cánh én báo mùa xuân cho sân khấu kịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái nhìn nhân văn về vụ án Lệ Chi Viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.