(HNM) - Lâu nay, nghiện ma túy luôn được xem là tệ nạn xã hội cần lên án và có biện pháp xử phạt hành chính trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, người làm công tác cai nghiện cũng xác định, nghiện ma túy là một bệnh do rối loạn mãn tính của não bộ cần có chương trình điều trị thích hợp, lâu dài.
Việt Nam đã thực hiện cai nghiện ma túy được 20 năm theo hình thức đưa người nghiện vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 06 (Trung tâm 06) để cai nghiện. Tuy nhiên, hiệu quả hỗ trợ cai nghiện và hòa nhập cộng đồng còn hạn chế. Thực tế cho thấy, việc cai nghiện mà chúng ta hiểu từ trước tới giờ là cách ly người nghiện khỏi môi trường thuốc, cai nghiện cắt cơn, tách họ ra khỏi cộng đồng với thời gian nhất định như 12, 24 tháng, với hy vọng khi trở về cộng đồng họ có thể cai nghiện. Sau 20 năm, bằng các phân tích khoa học, từ kinh nghiệm của các nước bạn, đã đủ cơ sở để hiểu nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, để chữa trị phải mất nhiều năm, gian nan như các căn bệnh hiểm nghèo khác. Căn bệnh này phải được điều trị tích cực, người nghiện phải tuân thủ phác đồ điều trị cụ thể của các bác sĩ.
Bệnh viện 09 thuộc Sở Y tế Hà Nội, nơi chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. |
Trước tình hình này, ngày 27-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tới năm 2020, với mục tiêu chính là thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại cộng đồng; điều trị bắt buộc tại trung tâm; mở rộng điều trị bằng thuốc methadone. Trong đó, thể hiện quan điểm mới là tăng dần việc điều trị tại cộng đồng, tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị thích hợp; đồng thời, giảm dần việc điều trị bắt buộc, chỉ áp dụng cho người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của tòa án.
Mô hình ưu việt
Theo nguồn tin từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), 20 năm trở lại đây, đã có 532.627 lượt người cai nghiện ma túy và có hàng nghìn người trong số đó cai nghiện thành công, trở về làm việc, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn gian nan khi mà số người tái nghiện cao và số người nghiện mới gia tăng. Hiện tại, cả nước có 171.000 người bị nghiện có hồ sơ quản lý.
Sau khi thay đổi quan niệm người nghiện ma túy không phải là tội phạm, đề án tập trung hướng đến thay đổi về hình thức cai nghiện, trong đó ưu tiên mở rộng điều trị nghiện bằng thuốc methadone. Thực ra, methadone không xa lạ trên thế giới, Mỹ đã áp dụng loại thuốc này vào chữa bệnh từ cách đây hơn 40 năm, Hà Lan gần 30 năm; Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Indonesia cũng đã áp dụng. Methadone được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục các thuốc thiết yếu; được xem là chất thay thế ma túy, sử dụng bằng đường uống có sự giám sát của nhân viên y tế, nhằm giảm tác hại của ma túy cũng như lây nhiễm HIV/AIDS, giảm số người chết do sốc ma túy. Điều trị thay thế ma túy bằng methadone có thể giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng…
Đề án cũng nêu rõ, việc chữa nghiện sẽ được hỗ trợ miễn phí, người nghiện và gia đình không phải lo lắng về chi phí cũng như tránh cảnh bị ép như tội phạm. Hiện Việt Nam có hơn 70.000 người được điều trị bằng methadone, với hơn 60 điểm hỗ trợ điều trị nghiện bằng thuốc này. Với chủ trương của Đề án Đổi mới công tác cai nghiện thì đến năm 2015 sẽ có khoảng 70.000 - 80.000 người (trong tổng số 171.000 người nghiện hiện nay có hồ sơ quản lý) được tiếp cận với methadone.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, mô hình cai nghiện ở cộng đồng ưu việt hơn vì như vậy người cai nghiện không bị tách biệt với xã hội. Đây là cách làm hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ bấy lâu nay về người đi cai nghiện, xem như họ đang đi chữa bệnh chứ không phải là nhìn bằng những ánh mắt kỳ thị, phân biệt đối xử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.