Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách tiền lương phải đi kèm với cải cách Bảo hiểm xã hội

Phong Thu (ghi)| 31/10/2017 14:33

(HNMO) - Sáng 31-10, bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã trao đổi với báo chí một số vấn đề xung quanh việc một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh sau 37 năm đi dạy, nhận lương hưu 1,3 triệu đồng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.


- Ông đánh giá thế nào về việc cô giáo Trương Thị Lan, ở Hà Tĩnh sau 37 năm đi dạy, nhận lương hưu 1,3 triệu đồng?

- Cô Lan đi dạy 37 năm nhưng chỉ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) được 22 năm 8 tháng. Do đó, mức lương khi nghỉ hưu như vậy là đã đúng theo cách tính hiện hành. Từ câu chuyện của cô giáo Lan, tôi cho rằng phải nghiên cứu cơ chế, giải thích để cho những người tham gia BHXH thấy rằng, muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao. Thứ hai là thời gian đóng phải dài, để làm sao đủ 75% lương bình quân khi nghỉ hưu. Thứ ba là phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH để ai khi hết tuổi lao động đều có lương hưu. Qua việc này, các cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu điều chỉnh cơ chế chính sách để làm sao người tham gia BHXH bảo đảm được cuộc sống khi về già. Bởi 1,3 triệu đồng lương hưu thì đời sống hết sức khó khăn.

- Thời gian tới, liệu mức lương hưu có bị thấp như vậy nữa không và nếu điều chỉnh cơ chế chính sách thì nên theo hướng nào, thưa ông?

- Tất cả những người về hưu đều được điều chỉnh bằng lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng nên sẽ không thấp hơn nữa. Song, muốn hưởng lương hưu cao thì phải đóng BHXH cao. Trên thực tế, cái khó là lương quá thấp, ăn không đủ thì làm sao chủ động đóng thêm BHXH được. Bài toán đặt ra là nền đóng BHXH phải tăng lên trên tổng thu nhập tiền lương, thời gian đóng phải dài hơn. Vì vậy, cải cách tiền lương phải đi kèm với cải cách BHXH, nếu không sẽ không giải quyết được. Phải thiết kế chính sách làm sao nâng mức đóng để mức hưởng cao, thứ hai là kéo dài thời gian đóng cho phù hợp.

- Nhưng khi tăng mức đóng thì cả người lao động và doanh nghiệp đều kêu?

- Đây là nghịch lý, khi người lao động được điều chỉnh tiền lương, thu nhập thường không muốn đóng vào BHXH. Do đó, cần phải tuyên truyền cho người lao động biết quỹ BHXH là quỹ tập trung quốc gia do Bộ trưởng Tài chính làm chủ tịch hội đồng quản lý. Người lao động thực đóng, thực hưởng.

- Theo ông, có thể thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH theo thu nhập?

- Cho đến bây giờ, theo Bộ luật Lao động và theo cam kết của Chính phủ là từ 1-1-2018 đóng BHXH trên tổng thu nhập. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng “kêu”, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đã đóng theo mức này. Hiện có người lương hưu cao nhất là 70 triệu đồng/tháng, vì người ta đóng BHXH rất cao. Tuy nhiên, điều cốt lõi là cần có sự thay đổi tư duy về chính sách tiền lương, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để bảo đảm người về hưu có lương ít nhất phải bằng mức sống tối thiểu chung của xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách tiền lương phải đi kèm với cải cách Bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.