(HNM) - Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát TTHC năm 2012 đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, đạt nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả ấy chưa được như kỳ vọng, đòi hỏi năm 2013 các đơn vị cần quan tâm, thực hiện quyết liệt hơn nữa.
|
Để đạt hiệu quả, Chính phủ điện tử phải gắn với cải cách hành chính. |
Thành quả nổi bật nhất trong công tác kiểm soát TTHC là thực hiện đánh giá tác động đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định về TTHC; rà soát TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Để nâng cao chất lượng quy định TTHC, bảo đảm chỉ ban hành các TTHC thật cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất theo đúng Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, năm 2012, các bộ, ngành đã thực hiện đánh giá tác động 2.114 TTHC được quy định tại 560 dự thảo VBQPPL.
Trong đó, điển hình là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tác động 264 TTHC quy định tại 23 dự thảo VBQPPL; Bộ Tài chính đánh giá tác động 159 TTHC quy định tại 29 dự thảo; Bộ Giao thông Vận tải là 146 TTHC quy định tại 43 dự thảo; tỉnh Bắc Giang đánh giá tác động 71 TTHC quy định tại 17 dự thảo… Việc công bố, công khai TTHC cũng được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác cải cách TTHC chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Cụ thể là việc tổ chức thực thi 25 nghị quyết của Chính phủ tại một số bộ, ngành còn chậm, nhất là đối với VBQPPL có quy định TTHC được chỉ rõ trong các nghị định, pháp lệnh, luật.
Hiện tượng yêu cầu thêm các giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ theo quy định vẫn còn phổ biến và hầu hết các lĩnh vực vẫn còn nhiêu khê, phiền phức, trở thành rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại trên do công tác kiểm soát TTHC là việc mới và khó, với nội dung chủ yếu là kiểm soát chặt chẽ quá trình ban hành VBQPPL có quy định TTHC và việc thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền nên không tránh khỏi khó khăn, lực cản.
Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, văn phòng UBND cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành về công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC. Thực hiện chỉ đạo đó, hiện nhiều bộ, ngành, địa phương đang chủ động triển khai, thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC.
Với thành phố Hà Nội, trong năm 2012 đã thực hiện tốt công tác công khai và cập nhật các quy định mới về TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và đã sớm ban hành kế hoạch công tác kiểm soát TTHC năm 2013. Với mục đích nâng cao chất lượng trong việc xây dựng và ban hành các VBQPPL có quy định về TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, vì nhân dân, kế hoạch công tác kiểm soát TTHC năm 2013 do UBND TP Hà Nội ban hành nêu rõ nội dung công việc, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cũng như kết quả và thời gian thực hiện.
Cùng với các nội dung thường xuyên thực hiện trong công tác kiểm soát TTHC, trong quý I và quý II, Hà Nội chú trọng xây dựng các văn bản quy định về công tác kiểm soát TTHC sau khi các văn bản có liên quan của TƯ được ban hành, gồm: Quy chế phối hợp về công bố, công khai TTHC; quy chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính cùng các văn bản liên quan đến hệ thống cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC các cấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, việc thực hiện phối hợp trong tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính rất cần thiết vì thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện công tác này, song hiệu quả chưa rõ nét. Số lượng các phản ánh, kiến nghị chưa phản ánh đúng thực tế tình hình giải quyết TTHC tại chính quyền các cấp. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm soát TTHC năm 2013 của các bộ, ngành, địa phương là kịp thời giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại cơ sở về TTHC; xử lý nghiêm và công khai kết quả trên phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp với tổ chức đoàn thể giám sát việc thực hiện công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC...
Hy vọng rằng, với quyết tâm của từng đơn vị, công tác cải cách TTHC và kiểm soát TTHC năm 2013 sẽ vượt qua được những khó khăn, lực cản, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp.
Trong năm 2012, đã có 3.089 quyết định công bố TTHC và cập nhật các quy định mới về TTHC vào Cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia. Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đã kiểm soát chất lượng 40.818 hồ sơ TTHC để công khai trên internet tại địa chỉ http://csdl.thutuchanhchinh.vn tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu. |