Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn thấy ở ứng viên khả năng chịu đựng được áp lực. Do đó, có cách trả lời câu hỏi phỏng vấn: “Bạn có làm việc hiệu quả dưới áp lực?” thông minh sẽ giúp bạn tự tin ghi điểm đối với nhà tuyển dụng. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn.
Nói về cách bạn vươn lên dưới áp lực
Điều đầu tiên khi nhận được câu hỏi này trong quá trình tìm việc làm tại Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu là bạn phải bảo đảm với nhà tuyển dụng rằng, bạn hoàn toàn có khả năng giải quyết mọi việc khi tình hình trở nên khó khăn và rằng hiệu suất công việc của bạn không bị giảm sút trong những thời điểm cấp bách.
Bạn hãy nêu một vài tình huống trong quá khứ bạn từng phải chịu áp lực công việc lớn và cách bạn vượt qua thử thách đó. Hãy cố gắng trình bày một cách ngắn gọn, tự tin nhưng đừng tỏ ra quá cường điệu hoặc phô trương.
Chẳng hạn, bạn có thể nói như sau: “Khi tôi còn làm việc cho Công ty X, chúng tôi thường phải làm việc gấp ba bình thường vào dịp cận Tết. Ban đầu thì cũng khá là căng thẳng, nhưng dần dần tôi đã quen với nhịp độ khẩn trương của công việc, nên tôi xử lý mọi việc dễ dàng và không có sai sót. Nhiều năm liền, tôi luôn được tin tưởng giao các nhiệm vụ đòi hỏi áp lực cao, về thời hạn hoặc chỉ tiêu, do đó, với tôi, áp lực công việc không phải là vấn đề lớn”.
Nhấn mạnh khả năng xử lý các tình huống đầy thử thách
Nhà tuyển dụng hiểu rằng, đôi lúc nhân viên sẽ trải qua những giai đoạn căng thẳng và áp lực cao. Và họ cũng hình dung được các ảnh hưởng tiêu cực khi nhân viên làm việc quá sức hoặc kiệt sức. Họ muốn biết rằng bạn sẽ không suy sụp bởi sức nặng của trách nhiệm hoặc chuyển giao nhiệm vụ của mình cho người khác.
Đó là lý do họ muốn tìm kiếm những ứng viên có phương pháp làm việc thông minh, hiệu quả, chứ không chỉ chịu đựng áp lực một cách thụ động.
Vì thế, câu trả lời của bạn - bao gồm những ví dụ bạn nêu ra - phải thể hiện được khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và nhạy bén. Qua đó, bạn khiến nhà tuyển dụng tin rằng, dù phải đối mặt với các tình huống đầy thử thách, bạn sẽ có cách vượt qua dễ dàng thay vì rơi vào bế tắc.
Thể hiện khả năng quản lý thời gian
Một người biết quản lý tốt thời gian sẽ giảm nhẹ được áp lực về thời hạn hoàn thành công việc. Ngoài ra, quản lý thời gian hiệu quả cũng đồng nghĩa bạn có khả năng lên kế hoạch công việc một cách khoa học.
Do đó, một cách trả lời câu hỏi về áp lực là cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn có khả năng sắp xếp thứ tự ưu tiên và giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc; bạn không có thói quen trì hoãn và chuẩn bị tốt cho những tình huống bất ngờ không mong đợi…
Chẳng hạn, bạn có thể trả lời như sau: “Tôi từng phải cùng một lúc làm việc cho 3 dự án lớn, tất cả đều có thời hạn trong vòng 2 tuần… Bằng cách lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án, tận dụng tối đa thời gian và với sự nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành cả 3 dự án trước thời hạn mà gần như không đối mặt với căng thẳng, áp lực”.
Áp lực cũng chính là động lực
Áp lực khiến chúng ta làm việc nghiêm túc, tập trung và siêng năng hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu áp lực có thể trở thành động lực thúc đẩy bạn trong công việc, hãy thể hiện điều đó với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể đề cập đến các kỹ năng bạn đã học được khi làm việc dưới áp lực, như kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian, kỹ năng ra quyết định…
Một ví dụ về cách bạn trả lời: Căng thẳng là động lực tuyệt vời giúp tôi làm việc hiệu quả hơn. Trước đây, công việc của tôi là chuyên viết kịch bản phim tài liệu, tôi thấy rằng khi có áp lực về thời hạn hoàn thành - bị thúc ép về thời gian - tôi thường viết hay và sáng tạo hơn.
Chứng tỏ khả năng xử lý áp lực ngay khi trả lời phỏng vấn
Cuộc phỏng vấn chính là một tình huống gây căng thẳng đối với các ứng viên. Vì vậy, hãy nhớ rằng các nhà tuyển dụng cũng sẽ xem xét thái độ, cử chỉ của bạn trong cuộc phỏng vấn, bên cạnh nội dung các câu trả lời.
Nếu bạn nói rằng, mình có thể làm việc tốt dưới áp lực nhưng bạn lại tỏ ra hồi hộp, thiếu tự tin, trả lời các câu hỏi ấp úng hoặc ngược lại có thái độ quá phấn khích hoặc nôn nóng, bạn sẽ khó thuyết phục được nhà tuyển dụng tin vào những gì bạn nói.
Đừng đưa ra những trường hợp mà bạn đã thất bại
Mặc dù cần thiết phải trung thực trong các cuộc phỏng vấn xin việc, nhưng bạn không nhất thiết phải kể ra tất cả những thất bại hoặc sai lầm của mình. Nếu trong quá khứ bạn từng mất kiểm soát khi đối phó với một tình huống căng thẳng, bạn không nên nói về điều đó.
Bởi lẽ, người phỏng vấn muốn nghe về những thành công, chứ không phải thất bại của bạn; vì vậy, cách trả lời câu hỏi thông minh là tập trung kể cho họ nghe câu chuyện về việc bạn vượt qua áp lực và chinh phục các thử thách thế nào, với các gợi ý như trên.
Chúc bạn thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.