Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách tính lương hưu mới chưa thuyết phục

Hà Phong| 17/06/2014 06:00

(HNM) - Chiều 16-6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Các ý kiến phát biểu của các ĐBQH cho thấy vẫn còn nhiều hoài nghi và băn khoăn...

Giao dịch với người dân tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. Ảnh: Như Ý


Nhận lương hưu mới từ ngày 1-1-2038

Diễn biến phiên thảo luận cho thấy, đề xuất bổ sung thêm đối tượng đóng BHXH cùng với việc từ ngày 1-1-2018 trở đi, lương hưu sẽ tính bằng bình quân mức lương cả cuộc đời mỗi CBCC và người lao động, cuối cùng đã nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai, Việt Nam đã có 4 công thức tính lương hưu khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh nhưng đều chưa tiếp cận được xu thế tiến bộ của thế giới. Trước năm 1995 thì hưởng lương hưu bằng mức bình quân của 5 năm đóng lương hưu cuối cùng và từ năm 2007 đến nay dựa trên cơ sở 10 năm đóng cuối cùng. Tới đây, khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, người đóng BHXH từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu hưởng cách tính lương hưu mới từ ngày 1-1-2038, tức là 20 năm sau. Còn người đóng BHXH vào ngày 31-12-2017 thì vẫn được hưởng lương hưu bằng bình quân lương 10 năm cuối cùng như hiện hành. Như vậy có thể hiểu, để tránh hiện tượng "sốc tâm lý", dù Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, nhưng đến năm 2038, lương hưu mới chính thức giảm. Để đạt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm yếu thế, thay vì có chính sách hưu trí xã hội cho những người từ 80 tuổi trở lên như hiện nay, Nhà nước còn thiết lập sàn lương hưu tối thiểu để đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người già. Theo đó, nhóm đã đóng BHXH đều đặn nhưng khi tuổi cao lương hưu vẫn không bằng sàn lương hưu tối thiểu sẽ thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ.

Cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu

Đồng tình với các thay đổi về cách tính lương hưu, mở rộng đối tượng tham gia BHXH để giảm khả năng vỡ quỹ BHXH, song, thảo luận về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ĐB Nguyễn Quang Cường (Đoàn Hải Phòng) và nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, riêng vấn đề tăng tuổi hưu cần xét đến sự cân đối của thị trường lao động.

ĐB Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) nhận định, kéo dài tuổi lao động không phải là vấn đề mới. Thực tế, đã có một số quốc gia trên thế giới kéo dài tuổi lao động nhưng bị người dân phản đối. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người thất nghiệp, theo ĐB Phùng Đức Tiến, nếu kéo dài tuổi hưu, gánh nặng thất nghiệp càng tăng lên, vì vậy giữ độ tuổi lao động hiện hành cũng là tạo điều kiện cho lớp trẻ. "Nhà nước chỉ nên tạo điều kiện cho nhóm cán bộ nghiên cứu nhằm kéo dài thời gian cống hiến, giảm bớt chi phí đào tạo, cụ thể là trong lĩnh vực giáo dục, y khoa" - ĐB Phùng Đức Tiến đề xuất.

Các ý kiến thảo luận cũng nhận định, thực tế cho thấy, những cán bộ nghiên cứu khoa học hay lao động cấp cao muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội sau khi nghỉ hưu thì vẫn có thể làm được mà không cần phải trong biên chế nhà nước hay kéo dài tuổi hưu. Có nhiều cách như, làm tư vấn kinh doanh, thẩm định dự án cho các công ty có vốn nước ngoài. Nhà nước cũng có thể thành lập một hội đồng cố vấn gồm những đối tượng lao động cấp cao đã nghỉ hưu và dành cho họ một chế độ đãi ngộ riêng nhằm tận dụng khả năng cống hiến của họ hơn là kéo dài tuổi hưu. "Còn như hiện nay vừa sửa đổi Bộ luật Lao động, nay lại sửa quy định tuổi nghỉ hưu trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) là luật chồng luật" - ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đoàn Đắc Nông) phân tích.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thanh Nhơn (Đoàn Bình Dương) cho rằng tăng tuổi hưu để giảm khả năng bị vỡ quỹ BHXH như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là không xác đáng. "Hiện cơ chế vận hành quỹ còn bất cập, nhiều tổ chức, cá nhân nợ BHXH; kéo dài tuổi nghỉ hưu như thế thì hàng vạn lao động mới ra trường hằng năm sẽ biết tìm việc ở đâu, khi những người cũ chưa nghỉ?". Cũng theo ĐB Nguyễn Thanh Nhơn, quy định này cũng sẽ bất lợi cho hàng vạn lao động trong ngành cao su. Do đặc thù, từ nhiều năm qua ngành cao su đã kiến nghị tuổi nghỉ hưu với nữ là 45 và nam giới là 50. Nay kéo dài ra thì khả năng người lao động đồng loạt xin nghỉ việc trước tuổi để hưởng trợ cấp một lần là thực tế rất có thể xảy ra.

Tham gia góp ý kiến, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Đoàn Vĩnh Long) cũng đồng tình quan điểm tuổi nghỉ hưu nên tuân thủ theo Bộ luật Lao động với lý do phần lớn những lao động nặng nhọc chỉ muốn rút ngắn tuổi hưu, càng sớm càng tốt, vì thế cần theo nguyên tắc đóng tự nguyện và có sự linh hoạt. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể nhằm tăng tuổi nghỉ hưu, để đến khi dân số bước vào ngưỡng "già" thì tăng tuổi hưu là phù hợp. Đồng thời, phải tối ưu hóa quỹ BHXH và có hướng chi tiêu hợp lý hơn. Bộ máy giao dịch, thu chi BHXH hiện nay khá lớn. Theo nguyên lý thông thường, bộ máy quỹ nuôi bộ máy ngành BHXH lớn quá thì vai trò của nó đối với xã hội rất dễ "bé" đi.

Về cách tính tiền lương làm cơ sở đóng BHXH, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) và nhiều ĐB khác tán thành xu hướng tiến dần tới tính đúng, tính đủ thu nhập thực tế của người lao động, nhưng lưu ý có lộ trình phù hợp, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động. "Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc sàn lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu" - bà Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu.

ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): Tăng thời gian đóng BHXH mới được hưởng lương hưu là chưa nên. Theo tôi, việc tăng thời gian đóng BHXH phải đồng bộ với tuổi nghỉ hưu. Có rất nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn tới mất cân đối quỹ lương hưu chứ không phải do thời gian đóng BHXH ngắn như ban soạn thảo đề cập.

ĐB Nguyễn Quang Cường (Đoàn Hải Phòng): Cần mạnh tay hơn nữa với các hành vi trốn đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động để bảo đảm nguồn thu cũng như quyền lợi của người lao động. Tôi đề xuất tới đây khi sửa đổi Bộ luật Hình sự sẽ bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động để tăng tính răn đe, chấn chỉnh tình trạng chây ỳ như hiện nay.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cách tính lương hưu mới chưa thuyết phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.