(HNMCT) - Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân cần làm gì để phòng, chống lây nhiễm loại vi rút nguy hiểm này?
nCoV có độc lực thấp hơn vi rút gây dịch SARS
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, nCoV là một loại vi rút thuộc nhóm coronavirus, tương tự với vi rút gây dịch bệnh SARS và MERS-CoV. Trên cơ sở những thông tin đã có ở thời điểm hiện tại, có thể nhận thấy nCoV lây truyền hạn chế từ người sang người qua tiếp xúc gần. Bệnh do nCoV gây tử vong khoảng 2% trong số các bệnh nhân nhập viện, trong khi tỷ lệ tử vong tương ứng với dịch SARS là khoảng 9% và với MERS-CoV là 35,5%. Trên những cơ sở đó, có thể mạnh dạn cho rằng nCoV có độc lực thấp hơn vi rút gây dịch SARS và MERS-CoV.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh), vi rút corona thường suy yếu khi nhiệt độ trên 20oC, nhất là trên 25oC. Nhiệt độ cao, điều kiện không khí thông thoáng khiến corona khó lây lan. Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch SARS, để đối phó với vi rút nCoV, người dân nên chủ động mở cửa thông thoáng và vệ sinh nhà ở, khu dân cư sạch sẽ, đặc biệt là chú ý rửa tay đúng cách bằng xà phòng thường xuyên.
Đủ khả năng chống dịch
Trên thực tế, số ca mắc nCoV tại Trung Quốc vẫn tăng nhanh. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, với nCoV, do thời gian ủ bệnh kéo dài đến 14 ngày nên những người có vi rút có thể đi rất xa, tới nhiều nơi, tiếp xúc gần với nhiều người, gây khó khăn cho việc khoanh vùng, cách ly các đối tượng nguy cơ. Hơn nữa, việc dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và các ca bệnh xuất hiện ở nhiều quốc gia, rất dễ dẫn đến tình trạng hoảng loạn. Lo sợ bị nhiễm vi rút, người dân đổ đến các bệnh viện để khám, xét nghiệm, dẫn đến quá tải và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo tại đó. Ngoài ra, những trường hợp bỏ trốn hoặc giấu bệnh, không tuân thủ yêu cầu cách ly cũng gây khó khăn cho việc khống chế dịch. Do đó, những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV trong vòng 14 ngày, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi xuất hiện dịch bệnh, cộng đồng cần bình tĩnh, để hỗ trợ các cơ quan chức năng trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài và số khách du lịch Trung Quốc sang nước ta khá nhiều. Hơn nữa, dịch đã lan sang nhiều quốc gia trên thế giới nên không chỉ khách Trung Quốc mà người đến từ nhiều nước khác cũng có thể là nguồn lây bệnh này. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, ngành Y tế Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch bệnh mới nổi thành công. Qua đó, đội ngũ cán bộ y tế đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có bước tiến bộ đáng ghi nhận về trình độ chẩn đoán, điều trị và giám sát dự phòng cũng như khả năng tổ chức phòng, chống dịch. Các trang thiết bị cũng được đầu tư và bổ sung trong nhiều năm qua. Nhiều bệnh viện đã được xây mới và mở rộng. “Nếu dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút nCoV có nguy cơ lan rộng trên đất nước ta, tôi tin ngành Y tế có đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ điều trị và khống chế dịch bệnh hiệu quả”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định.
Để phòng tránh vi rút corona, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, người dân cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh; khi buộc phải tiếp xúc với bệnh nhân thì cần đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là dùng khăn vải để làm giảm lượng dịch tiết phát tán. Cũng cần hạn chế tới các trang trại nuôi động vật hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.
* Để giảm nguy cơ nhiễm nCoV, WHO khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị sốt và ho, hạn chế bắt tay, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cần sử dụng thớt và dao riêng khi chế biến thịt sống, rửa sạch tay khi xử lý thực phẩm tươi sống và đồ ăn chín. Ngoài ra, mọi người không ăn thịt động vật ốm hoặc chết.
* Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai), ở Việt Nam, thực tế điều trị các trường hợp mắc nCoV cho thấy, tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng là cách phòng bệnh tốt. Mọi người nên uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây, tăng cường các loại vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, việc uống đủ nước và ngủ sớm, ngủ đủ giấc là rất quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.