(HNMO) - Trả lời câu hỏi của báo chí về việc xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video Deepfake, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Ngay từ thời điểm nhận được thông tin phản ánh từ người dân, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức lừa đảo mới này.
Deepfake là sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Công nghệ này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm những video hoặc hình ảnh giả, sao chép ảnh chân dung tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới tài chính.
Theo ông Trần Quang Hưng, có thể nhận biết cuộc gọi Deepfake bằng mắt thường, qua một số dấu hiệu như: Thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây; khuôn mặt của người trong cuộc gọi video giả mạo thường thiếu cảm xúc và khá "trơ" khi nói, tư thế lúng túng, không tự nhiên, hoặc hướng đầu và cơ thể không nhất quán.
Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy màu da của nhân vật trong video cuộc gọi bất thường, ánh sáng kỳ dị và bóng đổ không đúng vị trí, khiến cho video trông không tự nhiên; âm thanh trong video cũng khác lạ và không đồng nhất với hình ảnh; có nhiều tiếng ồn bị lạc vào video hoặc video không có âm thanh. Thông thường, kẻ gian sẽ ngắt cuộc gọi giữa chừng với lý do mất sóng, sóng yếu…
Cũng theo ông Trần Quang Hưng, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới phối hợp với các công ty công nghệ lớn đang chung tay để tìm giải pháp kỹ thuật nhằm xử lý các vụ lừa đảo Deepfake.
Gốc rễ của những vụ lừa đảo trực tuyến phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính. Để lấy được tiền của nạn nhân, kẻ lừa đảo cần đến các tài khoản để nạn nhân chuyển tiền vào. Những đối tượng này sẵn sàng bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ để “dụ” bị hại chuyển tiền.
Một trong những giải pháp căn cơ là ngăn chặn các tài khoản ngân hàng không chính chủ bằng cách đồng bộ thông tin tài khoản ngân hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đây là một hướng đi quan trọng giúp ngăn chặn các vi phạm trên không gian mạng.
“Công nghệ thay đổi hằng ngày. Và Deepfake là một công cụ được những kẻ lừa đảo sử dụng. Việc chống lừa đảo trực tuyến không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp về công nghệ và các quy định pháp lý. Để giải quyết gốc rễ vấn đề lừa đảo như Deepfake, cần nhiều giải pháp, ngoài giải pháp công nghệ giúp nhận diện cuộc gọi lừa đảo, cần có giải pháp hạn chế các tài khoản ngân hàng không chính chủ…”, ông Hưng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.