Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Hà Nội - Kỳ 1: Quyết định khởi nghĩa

Thủy Tiên| 17/08/2015 06:39

(HNM) - Sau khi phân tích tình hình Xứ ủy đã quyết định phát động khởi nghĩa từng phần trong các tỉnh thuộc quyền lãnh đạo của mình ở Đồng bằng Bắc Bộ.


Đồng thời Xứ ủy chủ trương thành lập ngay Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội gồm cán bộ của Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội để chỉ đạo công việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội, nơi vẫn còn một lực lượng lớn quân đội Nhật. Và cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8 diễn ra thành công. 70 năm đã qua, nhưng cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội vẫn luôn là bài học quý giá trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Ảnh tư liệu


Kỳ 1: Quyết định khởi nghĩa

Phá cuộc mít tinh của Tổng hội công chức

Chiều 17-8, trong khi "Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ" vẫn tiếp tục họp và tranh luận ở trụ sở Hội Khai trí Tiến Đức (nay là 16 Lê Thái Tổ) về công tác vận động của "Ủy ban cứu quốc" thì cuộc mít tinh do Tổng hội công chức tổ chức cũng bắt đầu diễn ra ở Nhà hát Lớn. Ban đầu cuộc mít tinh dự định tổ chức vào ngày 18 hoặc 19 nhưng do tình hình thay đổi nhanh chóng nên đã đẩy lên ngày 17-8.

Cuộc mít tinh này được cấp phép nên Tổng hội bắt tất cả công chức phải tham gia đông đủ. Và vì đứng sau nó là Chính phủ lâm thời nên có bảo an binh, cảnh sát đến bảo vệ. Nội dung của mít tinh là kêu gọi "mọi người đoàn kết để củng cố nền độc lập" và để "ngăn ngừa đế quốc Pháp quay lại"; đồng thời hiệu triệu "giờ cứu quốc đã đến, quốc dân hãy đứng lên đoàn kết để đối phó với thời cục", kêu gọi quần chúng đi biểu tình để "ủng hộ nền độc lập và bài trừ chính sách thực dân". Trong tài liệu của ông Trần Quang Huy (tức Nguyễn Huy Khôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng) gửi ông Trường Chinh năm 1985 do bà Đặng Minh Châu (con gái của cố Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu) lưu giữ và gần đây cung cấp cho Báo Hànộimới thì cuộc mít tinh do Tổng hội công chức tổ chức ngày 17-8 "không phải do nhân mối của ta trong Tổng hội đề xuất và được Tổng hội tán thành nhằm mục đích ủng hộ Việt Minh" mà cuộc mít tinh này "nằm trong quỹ đạo âm mưu mới của Chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim nhằm chống lại cách mạng. Âm mưu đó là sơn phết lại chính quyền bù nhìn, tuyên truyền rùm beng việc Nhật trả lại cho Việt Nam một số cơ sở ở Hà Nội. Do nắm được âm mưu đó nên Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội đã có kế hoạch phá cuộc mít tinh này; đồng thời biến nó thành cuộc mít tinh của quần chúng ủng hộ Việt Minh.

Theo kế hoạch đã định, Việt Minh đã huy động đông đảo quần chúng tham gia và phân công đội viên đội tự vệ chiến đấu, đội viên xung phong, công nhân xung phong phân tán trong đám đông chờ lệnh. Ngay sau khi đại diện của ban tổ chức tuyên bố lý do thì từ giữa đám đông bên trái Nhà hát Lớn bất ngờ nhô lên một lá cờ đỏ sao vàng. Nhìn thấy cờ, quần chúng reo vang: "Cờ của Việt Minh!" và đổ xô về phía lá cờ. Ngay lập tức bên phải lại nhô lên một lá cờ đỏ sao vàng và tiếp đó là hàng trăm lá cờ cỡ nhỏ, các đội viên xung phong phất cao cờ chạy từ chỗ này sang chỗ khác khiến cuộc mít tinh bị tan vỡ và tiếng hô vang "Hoan hô Việt Minh, Ủng hộ Việt Minh!" ầm vang trên quảng trường. Lính bảo an và cảnh sát bảo vệ cuộc mít tinh bất lực. Chớp thời cơ anh em tự vệ dồn ban tổ chức vào một góc chiếm lấy diễn đàn, hạ cờ quẻ ly của ngụy quyền đồng thời thả lá cờ đỏ sao vàng từ trên cao xuống và lại thêm một lá cờ khác từ bao lơn buông xuống. Ba đội viên là Lê Phan, Từ Trang (Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu) và Diệu Hồng (Đội tuyên truyền xung phong) thay nhau hô hào đồng bào đoàn kết chặt chẽ quanh Việt Minh, tiến lên khởi nghĩa, giành độc lập cho Tổ quốc. Quần chúng nhân dân và công chức lắng nghe, ủng hộ.

Thấy tình hình diễn biến thuận lợi, đội danh dự Việt Minh bất chợt nảy ra sáng kiến biến mít tinh thành tuần hành ủng hộ Việt Minh. Đồng chí Lê (tức Mai Thiện En) một thành viên đội danh dự phất cao lá cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn biểu tình, theo hướng dẫn của các đội viên tự vệ chiến đấu, quần chúng xếp thành hàng đi từ Nhà hát Lớn qua phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền) rẽ Francis Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng) vừa đi vừa hô khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo bù nhìn" và "Việt Nam hoàn toàn độc lập". Người hai bên phố nhập đoàn ngày càng đông. Lính bảo an lúc đầu còn rụt rè nhưng đến vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) cũng vác súng nhập đoàn. Khi đoàn đi qua trụ sở Hội Khai trí Tiến Đức nơi "Hội đồng tư vấn Bắc kỳ" đang họp, tự vệ bắn mấy phát súng thị uy, các thành viên vội vàng bỏ trốn. Trời bắt đầu mưa nặng hạt nhưng đoàn biểu tình vẫn đi qua phố Hàng Đào, Hàng Ngang lên chợ Đồng Xuân rồi rẽ phố Cửa Bắc (nay là Phan Đình Phùng) diễu qua Phủ Toàn quyền. Lính Nhật đang gác ở đây không hề động tĩnh rồi đoàn người quay về Cửa Nam sau đó chia thành nhóm nhỏ tỏa về các phố. Một tốp lính bảo an vác súng rẽ sang Hàng Bông, Hàng Gai ra bến tầu điện bắn một loạt súng rồi mới giải tán. Cho đến khoảng 9 giờ đêm thì thành phố yên tĩnh trở lại.

Trong tối 17-8, ở nhà Số 6 phố Hàng Đào một số thanh niên xung phong và tự vệ chiến đấu cùng các cán bộ văn hóa cứu quốc có sáng kiến viết một bản thông báo tường thuật cuộc mít tinh và biểu tình buổi chiều để đăng báo công khai. Các ông Như Phong và Học Phi thảo xong bài báo thì Học Phi cùng một số anh em mang bản thảo đến báo "Tin Mới" thì gặp Trần Lân là đội viên tuyên truyền xung phong đang điều đình với chủ báo yêu cầu báo này đăng lời hô hào khởi nghĩa của Ban xung phong Việt Minh. Học Phi đã thuyết phục chủ báo chấp nhận đăng bản thông cáo vào số báo ngày 18-8.

Cuộc họp quan trọng

Tối muộn hôm đó, tại nhà bà Hai Nhã ở thôn Dịch Vọng Tiền (nay thuộc quận Cầu Giấy) cơ sở cách mạng của Thành ủy Hà Nội, Ủy ban cách mạng đã họp hội nghị mở rộng có đại biểu của đoàn thể cứu quốc, các đội công nhân xung phong, thanh niên xung phong, đội tự vệ chiến đấu bàn kế hoạch khởi nghĩa. Vì đồng chí Nguyễn Khang (Ủy viên Thường vụ Xứ ủy) phải đi họp hội nghị bất thường của Thường vụ Xứ ủy nên cuộc họp do các ông Nguyễn Huy Khôi (phụ trách Ban Công vận Xứ ủy) và Nguyễn Quyết (Bí thư Thành ủy Hà Nội) chủ trì. Cuộc họp đã đi đến nhất trí: Dù có sự chênh lệch giữa ta và địch nhưng tinh thần chính trị ta đang ở thế áp đảo; thái độ chung của Nhật là án binh bất động; bọn phản động thân Nhật hoang mang và thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến. Về kế hoạch khởi nghĩa: Sẽ huy động quần chúng yêu nước có lực lượng vũ trang làm xung kích tiến hành mít tinh ở quảng trường Nhà hát Lớn, sau đó chuyển sang tuần hành thị uy rồi chiếm các cơ quan trọng yếu trong thành phố. Đối với quân Nhật, ta tiếp tục giữ chúng trong thái độ nằm im như chiều ngày 17-8 vì vậy không đặt ra việc tước vũ khí của quân Nhật, cũng không tiến hành đánh chiếm những nơi quân Nhật đang chiếm đóng. Tuy nhiên trong khả năng xấu, quân Nhật gây xung đột vũ trang thì ta kiên quyết đánh và tranh thủ đoạt vũ khí càng nhiều càng tốt rồi rút ra ngoại thành tiến hành chiến tranh du kích chờ quân giải phóng về cùng phối hợp chiếm lại thành phố. Về ngày giờ, hội nghị quyết định dùng ngày 18-8 để hoàn thành công việc chuẩn bị bảo đảm đến sáng 19-8 tiến hành khởi nghĩa theo kế hoạch. Cuộc họp quan trọng này kết thúc lúc gần sáng đã thống nhất nhiều vấn đề để bảo đảm cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19-8.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Hà Nội - Kỳ 1: Quyết định khởi nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.