Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách dễ nhất chữa cảm lạnh khi sang thu

Theo Hà Dương/Báo Gia đình & Xã hội| 21/09/2015 10:59

Chứng cảm lạnh hay gặp vào mùa thu khi trẻ em bắt đầu đi học. Người yếu và dầm mưa càng dễ mắc và có những cách chữa cảm lạnh rất dễ mà không mấy người để ý

để ý.

Hay mắc cảm lạnh khi nào

Theo bác sĩ Quang Tùng (Bệnh viện E Hà Nội), đang mùa mưa bão, các cháu học sinh mới đi học lại, người dân vùng mưa bão, người dầm mưa… đều rất dễ bị cảm lạnh. Chứng bệnh dễ chữa và đừng để lạnh ngấm sâu sẽ rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe.


Cảm lạnh cũng hay gặp khi có mưa gió, bão lũ, bị dầm mưa, lụt lội, nhiệt độ dưới ngưỡng bình thường kéo dài trong môi trường lạnh khiến cơ thể không tự điều chỉnh, thân nhiệt bị giảm… nhất là trẻ em, người già, người yếu phải đội mưa gió tới trường, quần áo bị ẩm ướt không kịp thay, mặc không đủ ấm.

Người khi mệt mỏi, căng thẳng, ăn uống kém, sức đề kháng miễn nhiễm suy giảm có thể bị cảm lạnh. Người già yếu giúp con cháu dọn dẹp ngoài trời sau mưa lũ nhiều giờ cũng dễ mắc cảm lạnh.

Cảm lạnh nguy hiểm nhất với trẻ, vì hệ miễn dịch yếu, mặc đồ ẩm lâu, mắc cảm lạnh không chữa trị được ngay sẽ dễ biến chứng viêm phổi, viêm tai trong, viêm phế quản…

Cảm lạnh không dễ lây, không gây sốt ở người lớn.

Triệu chứng cảm lạnh là bỗng dưng thấy ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, sợ lạnh, đầy bụng, có khi đi tiêu phân lỏng, có sốt nhẹ, có thể hạ đường huyết, bủn rủn chân tay , toát mồ hôi…(khác hẳn cảm cúm triệu chứng đến bất ngờ, kèm sốt và ho).

Không nên dùng thuốc kháng sinh

Bị cảm lạnh không nên dùng thuốc kháng sinh vì không công hiệu với virus gây cảm lạnh. Đa số các trường hợp cảm lạnh không cần thuốc men, mà được chăm sóc là bệnh tự lui. Các thuốc chống cảm, ho, nghẹt mũi không dứt bệnh được, mà còn nhiều tác dụng phụ.

Các bác sĩ hay cho dùng 3 loại thuốc giảm dấu hiệu cảm lạnh là thuốc chống nghẹt mũi (giúp thở dễ hơn), thuốc chống đau, giảm nóng sốt, đau mình, nhức đầu; và thuốc ho. Nhưng thuốc đều có tác dụng phụ cần có bác sĩ kê đơn mới dùng.

Đông y chữa cảm lạnh

Với đông y, có nhiều cách để chữa cảm lạnh sớm. Khi xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh (như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng và mệt mỏi), hãy uống ngay đồ uống nóng dễ kiếm như trà thảo dược, súp nóng, mật ong + nước cốt chanh…

Bác sĩ đông y Dương Xuân Mến khuyên, củ gừng rất lợi ích trị cảm lạnh. Hãy:

- Lấy 1 củ gừng tươi 15 – 20g, rửa sạch, thái lát, đổ 100ml nước đun sôi 20 phút, gạn ra, thêm đường và uống nóng).

- Hoặc gừng tươi giã nhỏ, trộn với tóc rối, bọc vào miếng vải thưa, đánh gió (xuôi từ trên xuống và tránh các hạch bạch huyết ở mang tai, nách, háng, bên trong khuỷu tay, khoeo chân) sẽ nhanh giải cảm.

- Hoặc lấy 1 củ gừng to để cả vỏ, giã nhuyễn, vắt nước cốt, thoa lên người và uống một chút với nước ấm. Bã gừng chà cho người tới nóng lên. Sau đó dùng khăn khô lau sạch. Cơ thể sẽ ấm và dễ chịu, hết cảm giác bị lạnh.

Ngoài ra còn có thể:

- Cạo gió bằng đồng xu với dầu gió. Xoa dầu, chà xát 2 bên cột sống, cổ, vai. Dùng cạnh đồng xu cạo ngang thăn lưng nhiều lần tới nóng đỏ da. Cơ thể sẽ nhanh hết chứng ớn lạnh. Cách này cũng làm giảm chứng đau nhức cổ gáy (nhưng không chà mạnh tới bầm tím).

Sau khi trị cảm lạnh xong nên cho người bệnh nằm nghỉ, ăn cháo hành nóng.

- Hoặc dùng nồi nước xông (gốm các loại lá tre, bưởi, sả, cúc tần, hương nhu mỗi thứ khoảng 20g (tùy vùng mà thay thế bằng lá chanh, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá gừng, nghệ, ngải cứu, long não…). Đun nước xông sôi rồi ngồi xông 10 – 15 phút cho vã mồ hôi. Như thế dược liệu sẽ thông suốt đường hô hấp, giảm tiết, giảm đau đầu, mình mẩy, giảm chóng mặt…Lấy nước xông lau người khi ấm rồi nghỉ ngơi, tránh gió lạnh, tránh ra gió hoặc tiếp xúc với lạnh ngay. Nhưng chỉ nên xông 1 – 2 lần, xông nhiều sẽ bị hao tân dịch, thoát dương, không tốt cho sức khỏe.

Khi nào đi bệnh viện?

Nếu người bệnh nói líu nhíu, thở chậm bất thường, da lạnh tái, mất phối hợp, vận động, mệt ngủ lịm… là đã bị cảm nặng. Cần theo dõi nhịp thở, nếu bị ngưng thở cần thực hiện hô hấp nhân tạo ngay, rồi đưa bệnh nhân ra khỏi chỗ lạnh (bảo vệ người bệnh tránh gió, thay đồ khô… và đưa tới cơ sở y tế ngay).

Hoặc áp gạc ấm vào cổ, ngực, háng để người bệnh ấm lại, rồi cho uống nước trà gừng ấm, sơ cứu nhẹ nhàng để tránh nguy cơ bệnh nhân bị ngưng tim, và đưa đi bệnh viện sớm.

Với trẻ còn bú bình nên giới hạn sữa vài ngày kẻo sữa làm nhớt mũi khô, khó loại bỏ. Nếu không giảm triệu chứng cảm lạnh, lại có nóng sốt cao, đau họng, nôn ói… cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để điều trị, tránh biến chứng.

Lưu ý sau khi uống nước gừng, hoặc đánh gió, ăn cháo hành giải cảm, hoặc xông giải cảm cơ thể sẽ vã nhiều mồ hôi. Khi đó nên tránh ra gió, vì lúc đó các lỗ chân lông đang mở rộng sẽ bị gió nhập vào, không tốt cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách dễ nhất chữa cảm lạnh khi sang thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.