Hằng năm cứ vào tháng Bảy âm lịch, thị trường thực phẩm chay lại trở nên sôi động. Đối với nhiều người, việc lựa chọn ăn chay không chỉ là sở thích mà còn giúp nâng cao sức khỏe.
Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu và biết cách lựa chọn cho mình những thực phẩm chay an toàn, chất lượng và cách ăn chay tốt cho sức khỏe.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Ngoài những món ăn chay truyền thống, được chế biến từ rau, củ tươi, các loại đậu, đỗ, ngày càng có nhiều loại thực phẩm chay đóng gói sẵn. Các loại thực phẩm “chay giả mặn” hiện rất phong phú, từ nem, giò, chả, tới thịt, cá, tôm chay, mực chay... với giá bán dao động từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng/kg.
Thậm chí, với những người không có nhiều thời gian nấu ăn hoặc muốn thay đổi khẩu vị cho bữa chay, có thể chọn các loại đồ chay đóng hộp ăn liền, như: Các loại lẩu, cá mòi, gà tiềm, cá lóc kho tiêu, mắm chưng, pa tê... Với đồ chay đóng hộp chỉ cần hâm nóng là có thể dùng được ngay. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chế biến các món chay ngày một phong phú, các loại gia vị chay cũng đa dạng không kém, như: Dầu hào, nước mắm, các loại mắm nêm; gia vị nêm phở, bò kho, lẩu… giá trên dưới 15.000 đồng/sản phẩm.
Mắc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp từ nhiều năm nay, bà Đặng Thị Lợi (75 tuổi, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) đã lựa chọn ăn chay. Thế nhưng, bà Lợi cảm thấy lo lắng khi chọn mua các thực phẩm chay đóng gói được bán trên thị trường. “Với các món chay sử dụng rau, củ, khoai, đậu đỗ… để chế biến thì không có độ giòn, dai. Tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm chay đóng gói sẵn, dễ dàng thấy độ giòn, dai. Một số món “chay giả mặn” như thịt gà, ốc, giò… nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhà sản xuất phải sử dụng phẩm màu, phụ gia, chất bảo quản để những sản phẩm này trông bắt mắt, có hình dáng giống thực phẩm mặn. Liệu các loại phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản được sử dụng để chế biến các món chay này có tuân thủ đúng quy định bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng hay không”, bà Lợi băn khoăn.
Về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm, sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe. Cụ thể là gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép và gây ngộ độc mạn tính dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục.
“Đơn cử như một số phụ gia tích lũy trong cơ thể gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là loại phụ gia bị cấm. Có thể kể đến hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao... Không chỉ vậy, thực phẩm “chay giả mặn” còn được chiên, xào rán nhiều cũng có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.
Nói "không" với thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh
Theo quy định, để sản xuất thực phẩm chay an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng được quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc một trong các giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, FSSC 22000… hay tương đương còn hiệu lực. Ngoài các điều kiện về nhà xưởng sản xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay cần lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm, tài liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế; tự công bố chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm nhập khẩu, phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, bảo đảm đầy đủ nội dung theo quy định.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều vụ thực phẩm chay mất an toàn, vệ sinh thực phẩm đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi mua thực phẩm chay, nên tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin xung quanh sản phẩm; tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng không nhãn mác. Khi mua thực phẩm chay, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị ngả màu, mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu. Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, cần mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn phụ, hạn sử dụng...
Bác sĩ Dương Ngọc Vân (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cũng lưu ý, nếu biết ăn chay đúng cách và đầy đủ dinh dưỡng thì tốt cho sức khỏe. Ngược lại, ăn chay không đúng cách rất dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng, từ đó gây ra nhiều tác hại khôn lường. Chính vì vậy, khi muốn ăn chay cần xây dựng được chế độ ăn đủ dinh dưỡng, khoa học, nói không với thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh… và có chế độ rèn luyện thể chất hợp với thể trạng.
Để đạt được những lợi ích từ việc ăn chay, theo bác sĩ Dương Ngọc Vân, không thay thế thịt bằng thực phẩm chay đã qua chế biến hay giàu chất béo. Mỗi người luôn bảo đảm chế độ ăn chay cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể; đồng thời, ước tính hàm lượng protein cơ thể tiêu thụ hằng ngày. Cụ thể, trung bình, mỗi bữa ăn cần bảo đảm cơ thể được cung cấp 20-30g protein. Cùng với đó, đa dạng thực đơn để kích thích sự ngon miệng và đáp ứng đầy đủ dưỡng chất bằng cách tự lựa chọn các loại rau, củ, quả tươi, các loại hạt, đậu đỗ… tốt cho sức khỏe để chế biến các món ăn chay hợp với thể trạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.