An toàn thực phẩm

Kiểm soát chặt thực phẩm tại bếp ăn khu công nghiệp

Thu Trang 22/08/2023 - 07:01

Để bảo vệ sức khỏe của người lao động, ngoài việc kiểm tra điều kiện thực tế tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, thành phố Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào chế biến tại các bữa ăn cho công nhân.

Thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) đã tăng cường kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp các suất ăn cho công nhân.

attp.jpg
Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả cung cấp cho bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh).

Chấn chỉnh từ những lỗi nhỏ nhất

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, những năm gần đây, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác quản lý nên đã đạt được một số kết quả ghi nhận. Cụ thể là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức, thực hành của người chế biến tại bếp ăn tập thể đã được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội dẫn chứng, về nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhân viên tham gia chế biến thực phẩm ý thức chấp hành chế độ vệ sinh cá nhân còn chưa cao, dụng cụ chứa đựng chất thải không có nắp đậy, thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại. Mặt khác, một số cơ sở vẫn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước. Đặc biệt, tình trạng ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm vẫn xảy ra. Theo ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với 640 người mắc, nhưng không có tử vong. Trong đó có 17 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể (chiếm tỷ lệ 63%); có 9 vụ xảy ra tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật.

Trước thực tế đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Qua các đợt kiểm tra trong tháng 8-2023, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá, nhìn chung, các doanh nghiệp đã quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp đã tốt hơn trước rất nhiều.

Đơn cử như tại thời điểm kiểm tra, bếp ăn của Công ty Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) và Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam (Lô N-7 Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đều bảo đảm sạch sẽ, phân khu riêng biệt, các quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm đều tuân thủ theo đúng quy định. Thêm vào đó, người tham gia chế biến đều am hiểu các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và được khám sức khỏe định kỳ đầy đủ. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn, bát inox tại bếp ăn của hai công ty trên cho thấy, vẫn còn tinh bột bám dính, chưa bảo đảm sạch 100%.

“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị khắc phục ngay quy trình vệ sinh, rửa, sấy tốt hơn. Đối với những khay ăn, bát đĩa bị trầy xước, hay vật dụng bị xuống cấp, cần phải thay thế ngay lập tức. Từ thực tế những vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể cho thấy, chỉ cần để xảy ra sai sót dù là nhỏ trong khâu chế biến, bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ như: Dùng tay trần bốc thức ăn, vệ sinh khay bát không sạch… đều kéo theo nguy cơ mất an toàn thực phẩm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Cần kiểm tra đột xuất nguồn gốc thực phẩm

Trọng tâm công tác kiểm tra lần này của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội là truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Do đó, ngoài kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở tại các bếp ăn khu công nghiệp, các đoàn kiểm tra của Chi cục còn tiến hành truy xuất nguyên liệu thực phẩm cung cấp vào bếp ăn.

Trong quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm, ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng Chuyên môn, nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) đã trực tiếp hướng dẫn cho người phụ trách bếp ăn khu công nghiệp cách kiểm tra thực phẩm tươi ngon bằng cảm quan, cách bảo quản thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc và hạn sử dụng của thực phẩm trên tem nhãn… Cùng với đó, hướng dẫn cho nhà thầu bếp ăn biết cách lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín trên thị trường.

“Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho công nhân, các bếp ăn tập thể cần tiếp tục duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nên sử dụng rau, củ, quả theo mùa để có thể làm giảm đáng kể nguy cơ các sản phẩm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật”, ông Đỗ Anh Hùng lưu ý.

Thông qua đợt kiểm tra này, theo ông Đặng Thanh Phong, là để đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại doanh nghiệp có hoạt động bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nhiều người mắc, ông Đặng Thanh Phong yêu cầu, đối với đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn khu công nghiệp phải bảo đảm hồ sơ pháp lý đầy đủ, nguồn gốc thực phẩm đưa vào chế biến có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và nhà thầu cần phải tổ chức những cuộc kiểm tra đột xuất, định kỳ về truy xuất nguồn gốc của các đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt thực phẩm tại bếp ăn khu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.