Kỹ năng sống

Cách chọn nồi cơm điện phù hợp

Lam Giang 04/07/2024 - 07:05

Từ lâu, nồi cơm điện đã trở thành thiết bị gia dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hiện, trên thị trường có nhiều loại nồi cơm điện với những thông số kỹ thuật khác nhau khiến không ít người bối rối khi muốn chọn sản phẩm phù hợp. Các chuyên gia điện máy khuyên rằng, người tiêu dùng cần dựa trên các tiêu chí như: Dung tích, tính năng, chủng loại... cũng như nhu cầu sử dụng...

tu-van.jpg
Tư vấn cho người tiêu dùng chọn mua nồi cơm điện tại Trung tâm thương mại Aeon (quận Long Biên). Ảnh: Hà Thư

Thị trường phong phú và đa dạng

Ông Nguyễn Thành Đạt, quản lý quầy gia dụng siêu thị điện máy MediaMart (phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) cho biết, tuy là thiết bị quen thuộc và phổ biến ở mỗi gia đình, song cùng với sự phát triển của công nghệ, nồi cơm điện ngày càng được cải tiến, có nhiều tính năng, công dụng, tiện ích để đáp ứng tối đa nhu cầu nấu nướng trong gia đình. Về công nghệ, hiện thị trường có một số loại nồi cơm điện chính như nồi cơm điện cơ, nồi cơm điện tử, nồi cơm điện từ; hay về thiết kế có loại cơm điện nắp rời và nắp gài…

Hiện nồi cơm điện cơ là loại cổ điển và cũng phổ biến nhất. Nguyên lý của loại nồi cơm này là tự ngắt khi đủ nhiệt và chuyển sang chế độ ủ nóng. “Có thiết kế đơn giản hơn so với nồi điện tử hay nồi điện từ, cộng thêm ưu điểm là giá thành rẻ, ít hỏng hóc nên nồi cơm điện cơ hiện vẫn khá phổ biến trên thị trường”, ông Nguyễn Thành Đạt nói.

Trong khi đó, nồi cơm điện tử làm chín thức ăn nhờ vào hai mâm nhiệt ở đáy và nắp nồi. Người tiêu dùng có thể cài đặt các chế độ nấu thông qua màn hình LCD trên nắp nồi. Sản phẩm này có nhiều chức năng hơn so với nồi cơm điện cơ, như chế độ nấu nhanh, chậm, cơm khô, nát, nấu cháo, xôi, làm bánh, ủ men, hẹn giờ… Tuy vậy, đây lại là loại nồi cơm điện có giá thành cao hơn.

Nồi cơm điện từ hay còn gọi là nồi cơm điện cao tần là sản phẩm ra đời mới nhất với nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Đây là loại nồi có nguyên lý nấu chín thức ăn bằng công nghệ cảm ứng từ, làm nóng trực tiếp bên trong nồi cơm mà không cần mâm nhiệt. Nguyên tắc tạo nhiệt này giúp cho nồi cơm điện từ nấu cơm ngon hơn.

Về thiết kế, nồi cơm điện nắp rời là loại có phần nắp được cấu tạo từ inox hoặc kính chịu nhiệt có khả năng tháo rời ra được khỏi thân nồi. Bên cạnh đó, lòng nồi làm bằng hợp kim nhôm (một số dòng có tráng men chống dính) giúp dễ dàng vệ sinh. Còn nồi cơm điện nắp gài là loại có phần nắp gắn liền với phần thân nồi, thân và nắp nồi dày, có khóa chắc chắn, giúp hạn chế nhiệt lượng tỏa ra môi trường xung quanh, giữ ấm cơm lâu hơn. Lòng nồi làm bằng hợp kim nhôm có chất chống dính giúp nấu cơm an toàn, dễ chùi rửa...

Do được sản xuất với công nghệ khác nhau, công dụng, thiết kế, dung tích… khác nhau, nên giá thành của các sản phẩm nồi cơm điện “chênh” nhau khá xa, từ khoảng 500 nghìn đồng đến 20 triệu đồng/sản phẩm.

Chọn nồi cơm điện nào phù hợp?

Do thị trường ngày càng đa dạng sản phẩm nên khi lựa chọn nồi cơm điện cho gia đình, người tiêu dùng cần dựa trên các tiêu chí về nguyên lý hoạt động, chức năng, dung tích, công nghệ… sao cho phù hợp. Theo bà Hà Thị Huyền, nhân viên siêu thị điện máy Pico (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa), trước tiên người dùng cần căn cứ vào mục đích sử dụng để chọn sản phẩm. Nếu chỉ dùng để nấu cơm thì người dùng nên chọn nồi điện cơ với chức năng đơn giản. Nồi điện tử và điện từ sở hữu nhiều tính năng thông minh và chế độ nấu giúp người dùng tiết kiệm thời gian, với nhiều cách chế biến song có giá thành cao hơn.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn dung tích phù hợp cũng giúp sử dụng được tối đa hiệu suất của nồi, tiết kiệm được điện năng. Theo đó, nếu sử dụng nấu cho 1-2 người ăn thì nên chọn nồi cơm có dung tích 0,6-0,8 lít; 2-4 người ăn nên chọn nồi cơm có dung tích 1-1,5 lít; 4-6 người ăn thì chọn nồi có dung tích 1,8-2 lít và từ 6-8 người ăn chọn nồi có dung tích 2,2-2,5 lít.

Lựa chọn chất liệu lòng nồi cũng là lưu ý quan trọng khi mua nồi cơm điện. Theo các chuyên gia điện gia dụng, để nấu được cơm ngon, an toàn cho sức khỏe và dễ rửa sạch, người dùng nên chọn lòng nồi được phủ men chống dính, men gốm có độ bền cao. Thông thường, lòng nồi cơm điện làm bằng hợp kim nhôm, phủ lớp chống dính dày vừa nhẹ, vừa có tốc độ truyền nhiệt nhanh chóng, lại giúp việc vệ sinh dễ dàng. Ngoài ra, lòng nồi bằng gang cũng được đánh giá cao về khả năng tỏa nhiệt đồng đều. Nhưng loại này có trọng lượng khá nặng, gây khó khăn trong quá trình vệ sinh.

Khi chọn mua nồi cơm điện, người mua cần tìm hiểu rõ số lượng mâm nhiệt của nồi, theo đó số mâm nhiệt càng nhiều càng tốt. Công nghệ 1 mâm nhiệt, còn gọi là công nghệ 1D, sử dụng duy nhất 1 mâm nhiệt để nấu chín cơm với thời gian ngắn. Công nghệ 2 mâm nhiệt còn gọi là công nghệ 2D, vừa sử dụng một mâm nhiệt chính dưới đáy nồi vừa dùng thêm một bộ phận điện trở nhiệt phụ, giúp cơm nấu chín đều ở dưới đáy và thành nồi. Còn công nghệ 3 mâm nhiệt (công nghệ 3D) sử dụng một mâm nhiệt và hai bộ phận điện trở phụ, làm chín đều hạt cơm và nở xốp hơn, nhưng thời gian nấu chín cơm lâu hơn. Công nghệ nấu cao tần lại nấu chín hạt cơm bằng từ trường với nhiệt lượng tỏa ra đều và giữ ấm hạt cơm tốt hơn so với những công nghệ trên.

Một trong những nguyên tắc khi chọn mua nồi cơm điện, theo ông Dương Thanh Bình, nhân viên bảo trì, bảo hành, hệ thống siêu thị MediaMart, người tiêu dùng nên mua sản phẩm tại các địa chỉ uy tín, có chế độ bảo hành sản phẩm rõ ràng. Ngoài ra, điều quan trọng không kém là nên thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm sản phẩm hoạt động an toàn, giữ được độ bền theo thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách chọn nồi cơm điện phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.