(HNM) - 16 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tại TP Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị tạm ngừng thực hiện Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7-10-2015 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-11-2015) về việc ngưng đào tạo trung cấp nhóm Ngành Y tế khiến các trường như "ngồi trên lửa". Theo các trường, việc nâng cao và chuẩn hóa trình độ nguồn nhân lực Ngành Y tế là một việc nên làm nhưng cần có lộ trình hợp lý để không gây xáo trộn cho nhiều đối tượng liên quan.
Nguy cơ tan trường
Trao đổi với chúng tôi, Th.s Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho biết, thông tư ban hành đột ngột mà không có bước định hướng chuẩn bị cho các trường. Người học bối rối, kể cả các em đã tốt nghiệp cũng lo lắng sẽ không được tiếp tục làm việc. "Phụ huynh, học viên liên tục gọi điện thắc mắc, muốn cho con em nghỉ học. Chúng tôi có động viên các em nhưng cũng hoàn toàn bị động".
Sinh viên đang thực hành nghiệp vụ điều dưỡng tại Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh. |
Tương tự, ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành cho biết, khi duyệt mã ngành bao giờ cũng có Sở Y tế, Bộ Y tế kết hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) địa phương kiểm tra điều kiện mở ngành từ nguồn giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đến chương trình đào tạo. Nhà trường đầu tư hàng tỷ đồng thiết bị, máy móc cho Ngành Y và Dược. Theo lộ trình tuyển sinh thuận lợi thì khoảng 10 năm sau mới đủ chi phí đầu tư, thế nhưng được 4 năm đã có “lệnh cấm” thì các trường chỉ có nước giải thể.
Ngay trong công văn mới đây của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh gửi Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: “Quy định này đã làm cho các trường TCCN trên địa bàn thành phố, đội ngũ giáo viên và học viên đang theo học tại các nhóm ngành sức khỏe lo lắng, không yên tâm công tác và học tập”.
Cần có lộ trình
Theo kiến nghị của các trường, Bộ GD-ĐT cần xem xét đổi tên TCCN thành cao đẳng hai năm cho phù hợp với quy chuẩn chung của quốc tế. Hiện nay Đức, Nhật Bản, Malaysia và nhiều nước khác đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý nhưng họ đều yêu cầu trình độ tối thiểu là cao đẳng trở lên (theo tên gọi bậc học của họ). Việc đổi tên gọi ngoài đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, còn mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài. Muốn hội nhập thì phải đồng bộ, không chỉ hội nhập về quy định bằng cấp tuyển dụng mà còn cần có sự chuẩn bị cho các cơ sở đào tạo, chuẩn bị nguồn được đào tạo.
Thứ hai, Bộ Y tế cần sửa đổi lại, trước hết là tạm ngừng chưa thực hiện Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7-10-2015 để phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi Bộ GD-ĐT chưa xây dựng xong khung trình độ quốc gia và các bộ, ngành khác vội vàng trong việc áp chuẩn trong hội nhập ASEAN về trình độ lao động, "bước đệm" cho chuyển đổi hoặc nâng cấp trình độ đào tạo trong nước cho tương đương, phù hợp chưa được chuẩn bị.
Thứ ba, trong khi Chính phủ kêu gọi phải xây dựng một nền hành chính minh bạch, kiến tạo, đặt lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư lên hàng đầu, nếu thực hiện Thông tư thì thiệt hại của các nhà đầu tư sẽ giải quyết như thế nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.