(HNM) - Năm 2019 là năm thứ ba các trường trung cấp, cao đẳng nghề phía Nam tuyển sinh theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, và đây cũng là năm thứ ba các trường này khó khăn về tuyển sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và các trường nghề cũng đang nỗ lực tự tìm "lối thoát". Nhưng để thu hút được sinh viên học nghề, bài toán về chất lượng đào tạo cần có lời giải hữu hiệu hơn.
Khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh
Năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (LĐ-TB&XH) đề ra mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề đạt 461.000 người, trong đó, trình độ cao đẳng là 45.000 người, trình độ trung cấp là 36.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 380.000 người...
Tuy nhiên trên thực tế, chỉ tiêu này rất khó đạt. Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh năm nay dự kiến tuyển 2.000 chỉ tiêu cho bậc cao đẳng, 400 chỉ tiêu cho bậc trung cấp, nhưng đến đầu tháng 8-2019, mới tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu.
Thậm chí, cơ sở đào tạo nghề có tiếng tại khu vực phía Nam luôn đạt thành tích 100% sinh viên ra trường có việc làm tốt là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, năm nay cũng phải ra thông báo "khẩn", kéo dài thời gian tuyển sinh bổ sung tất cả ngành đào tạo đến ngày 15-8, vì mới chỉ duy nhất ngành công nghệ ô tô tuyển đủ chỉ tiêu.
Tình hình tuyển sinh tại các trường trung cấp còn đáng lo ngại hơn. Trường Trung cấp Đại Việt, Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo, Trường Trung cấp nghề Sài Gòn… đến thời điểm này mới chỉ tuyển được từ 50 đến dưới 100 sinh viên, trong khi nhu cầu cần tuyển khoảng 1.000 em mỗi trường.
Tại các tỉnh trong khu vực, tình hình tuyển sinh nghề năm nay cũng không mấy khả quan. Trường Trung cấp Nông Lâm Nghiệp tỉnh Bình Dương có 600 chỉ tiêu, nhưng mới tuyển được 15%. Trường Trung cấp nghề Cơ điện Đông Nam Bộ tỉnh Đồng Nai có chỉ tiêu tuyển sinh gần 500 em, nhưng mới tuyển được vài thí sinh.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc các trường đại học có nhiều phương thức xét tuyển đã hút phần lớn số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học đại học mà không vào học nghề.
Còn Thạc sĩ Nguyễn Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xã hội vẫn trọng bằng cấp đại học mà chưa đánh giá đúng vai trò của kỹ năng nghề nghiệp, nên số sinh viên vào trường nghề không cao.
Chất lượng đào tạo quyết định thành công
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, các trường nghề phải không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất mới có thể thu hút được người học.
UBND thành phố vừa giao Sở thí điểm tổ chức thực hiện mô hình “đào tạo kép”, các trường nghề phối hợp với doanh nghiệp đào tạo cho sinh viên theo phương thức: 30% thời gian học tại trường, 70% thời gian học thực hành kỹ năng nghề chuyên sâu tại doanh nghiệp.
Thành phố sẽ tập trung đầu tư trọng điểm, hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo của một số nước tiên tiến.
Trước xu hướng mới trong đào tạo nghề, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, hiện nhiều trường đã hướng đến liên kết đào tạo với doanh nghiệp và tổ chức quy trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố như: Dịch vụ, công nghệ cao và 8 ngành nghề phù hợp dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN cũng được chú trọng phát triển.
Một số trường nghề khác cũng đã chủ động liên kết với các trường đại học để liên thông đào tạo, giúp sinh viên nâng cao bằng cấp học tập. Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn cho biết: Năm nay, nhà trường liên kết với Đại học Trà Vinh đào tạo liên thông bậc cao đẳng và đại học với 8 ngành đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp trung cấp nghề học tiếp tại trường từ 18 tháng đến 24 tháng, sẽ được cấp bằng cao đẳng; hoặc học tiếp từ 30 tháng đến 36 tháng, sẽ được cấp bằng đại học.
Với những chuyển biến trong công tác đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề ở khối các trường cao đẳng đạt 81,76%; đặc biệt, một số trường đạt tỷ lệ 100%. Còn ở khối các trường trung cấp, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 79,96%, một số cơ sở đạt tỷ lệ 100%.
Những con số này cho thấy, số sinh viên học nghề có việc làm sau tốt nghiệp ngày càng tăng, nhưng để thu hút được nhiều hơn nữa sinh viên vào học trong lĩnh vực này, ngoài những giải pháp đã được thành phố định hướng nêu trên, các trường nghề cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đặc biệt, các nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển của xã hội.
Chỉ khi các trường nghề thực sự hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu đào tạo lao động chất lượng cao thì bài toán tuyển sinh trường nghề mới có lời giải hữu hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.