Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền Trung dồn sức chống bão số 8

Chí Kiên| 28/10/2012 06:12

(HNM) - Đến chiều tối qua (27-10), các tỉnh miền Trung và một số tỉnh Bắc bộ đã có gió mạnh kèm theo mưa lớn. Trong ngày, các lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương đã nỗ lực dồn sức chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão và lên phương án di dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn.

* Trưa nay bão đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa và phía nam đồng bằng Bắc bộ
* Bão sẽ gây mưa lớn từ 200 đến 300mm
* Hà Nội chủ động phương án chống bão và úng ngập

(HNM) - Đến chiều tối qua (27-10), các tỉnh miền Trung và một số tỉnh Bắc bộ đã có gió mạnh kèm theo mưa lớn. Trong ngày, các lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương đã nỗ lực dồn sức chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú bão và lên phương án di dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ngư dân Đà Nẵng gấp rút đưa tàu thuyền lên bờ để tránh bão. Ảnh: Nguyễn Đông

Cơ quan Khí tượng thủy văn trung ương tối qua (27-10) cho biết, tại quần đảo Hoàng Sa, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 5, cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to với lượng từ 40 đến 60mm; một số nơi có mưa lớn hơn như TP Huế 73mm; Đà Nẵng 79mm; Quảng Ngãi 131mm; Lý Sơn 97mm…

Là cơn bão có đường đi phức tạp, di chuyển nhanh, đến chiều 27-10, khi đi vào Vịnh Bắc bộ bão số 8 đã mạnh lên cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Đêm 27-10 và hôm nay (28-10), bão tiếp tục chuyển hướng di chuyển lên phía bắc, hướng vào Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ với cường độ giảm xuống cấp 10, cấp 11. Dự báo khoảng trưa nay (28-10) bão sẽ cập bờ và đổ bộ tập trung vào tỉnh Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc bộ với sức gió từ cấp 6 đến cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Đi kèm với gió mạnh, bão sẽ gây ra đợt mưa kéo dài từ ngày 28 đến hết ngày 29-10 với lượng phổ biến từ 200 - 300mm, một số nơi có thể đạt đến 400mm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình đến Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 đến 4m.

Nhiều ngôi nhà bên đê, kè biển Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang được người dân chằng chéo lại. Ảnh: Văn Định


Để chủ động ứng phó với cơn bão nguy hiểm này, đến chiều 27-10, lực lượng biên phòng các tỉnh đã kêu gọi và thông báo được cho hơn 46.800 tàu thuyền với gần 222.000 lao động hoạt động trên biển vào nơi trú, tránh bão an toàn. Tại Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 8.600 tàu thuyền với trên 28.500 lao động đã nhận thông tin để tránh trú bão. Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lực lượng biên phòng trên hai tuyến, tuyến biển phòng chống lụt bão, tuyến miền núi trực chiến chống mưa ngập lụt và sạt lở đất để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tại Hà Tĩnh, sáng 27-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đi kiểm tra tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê và Vũ Quang để chỉ đạo các biện pháp kịp thời ứng phó với mưa bão. Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, bộ đội biên phòng trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi bão xảy ra; chuẩn bị 10.000m3 đất đá, gần 200.000 bao tải, 70.000 mét tải bạt chắn sóng và chuẩn bị 200 tấn gạo, hàng nghìn thùng mì tôm, nước uống để chủ động giúp dân trong trường hợp bị mưa bão chia cắt. Hà Tĩnh cũng đã chủ động phương án sơ tán khoảng 15.000 dân ở các huyện ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã quyết định đóng các cửa lạch không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão. Bộ đội biên phòng Nghệ An cũng đã bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng trực suốt ngày đêm ở những vùng trọng điểm. Tỉnh Quảng Trị cũng đã lên phương án sơ tán 2.000 hộ dân vùng ven biển, ven sông, sạt lở núi khi cần thiết; chỉ đạo các địa phương rà soát quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi thủy điện, xả nước các đập dâng hồ chứa để có dung tích đón lũ.

Hủy 24 chuyến bay, hơn 2.400 hành khách bị ảnh hưởng

(HNM) - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, trong ngày 27-10, hãng đã phải hủy 14 chuyến bay đến/đi từ sân bay Đà Nẵng, Huế và Đồng Hới. Đó là 2 chuyến chặng Hà Nội - Đà Nẵng, 2 chuyến chặng Buôn Ma Thuột - Đà Nẵng, 2 chuyến chặng TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, 2 chuyến chặng Hà Nội - Huế, 2 chuyến TP Hồ Chí Minh - Đồng Hới và 4 chuyến TP Hồ Chí Minh - Huế. Trong ngày hôm nay (28-10), hãng tiếp tục hủy thêm 10 chuyến đến/ đi từ Vinh và Đồng Hới gồm 2 chuyến chặng Hà Nội - Vinh, 2 chuyến chặng Đà Nẵng - Vinh, 4 chuyến chặng TP Hồ Chí Minh - Vinh và 2 chuyến chặng Hà Nội - Đồng Hới.

Vietnam Airlines cho biết, có hơn 2.400 hành khách bị ảnh hưởng do hủy các chuyến bay nói trên. Số hành khách này sẽ được bố trí đi trên các chuyến bay bù và chuyến bay thường lệ trong thời gian sớm nhất. Hãng cũng đã chuẩn bị các phương án dự phòng, tăng cường lực lượng trực điều hành 24/24, chuẩn bị máy bay và nguồn lực để tăng chuyến và bay bù khi điều kiện cho phép.

Nguyễn Đức

Hà Nội chủ động phương án chống bão và úng ngập

(HNM) - Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8, hôm qua 27-10, Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP Hà Nội đã có công điện khẩn gửi các sở, ngành và địa phương, yêu cầu khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão theo kế hoạch và phương án đã lập; tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở và các khu nhà nguy hiểm đến nơi an toàn; chỉ đạo phòng chống, bảo đảm an toàn cho nhà ở công trình đã có và các công trình đang xây dựng trên địa bàn TP. Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát các công trình chống úng ngập, giải tỏa ngay các vật cản; triển khai các biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; có giải pháp cụ thể đối với từng điểm thường xuyên úng ngập cục bộ. Các công ty thủy lợi chủ động thực hiện tiêu nước đệm và kiểm tra vận hành các công trình đáp ứng yêu cầu chống úng ngập khi có mưa. Công ty TNHH nhà nước MTV Công viên cây xanh bảo đảm xử lý nhanh các sự cố cây đổ. Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội bảo đảm an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng. Sở GTVT phối hợp với CATP bảo đảm giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trong khu vực nội thành.

Đỗ Chí

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền Trung dồn sức chống bão số 8

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.