Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các tài thơ nữ với Kinh thành Thăng Long

Nguyễn Thu Thủy| 07/03/2010 07:29

(HNM) - Suốt chiều dài lịch sử 1000 năm văn hiến, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Lịch sử ghi nhận đóng góp của rất nhiều nhà thơ đã hòa nhịp với thời đại để viết nên những vần thơ mang hơi thở của cuộc sống và lưu dấu ấn đến hôm nay.

Trong số đó, không thể không nhắc tới những đóng góp của các nữ sĩ. Họ đã vượt lên khuôn khổ của thời đại, để lại cho đời nhiều tác phẩm. Tên tuổi của các nữ sĩ Diệu Nhân, Ngô Chi Lan, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... đã trở thành niềm tự hào của thơ ca Việt Nam. Cuộc đời và sáng tác của họ đều có những gắn bó với mảnh đất Thăng Long.

Vẻ đẹp của hồ Tây là nguồn cảm hứng  để nữ sỹ Ngô Chi Lan ra đời thi phẩm “Khúc hát hái sen”. Ảnh: Nguyệt Ánh


Ở thế kỷ XI, khi đạo Phật trở thành quốc giáo, người được coi là nữ sĩ đầu tiên ở nước ta chính là Diệu Nhân ni sư (1041-1113), tục danh Lý Ngọc Kiều. Bà là cháu yêu của vua Lý Thánh Tông, kết hôn với một viên quan huyện. Sau khi chồng chết, bà đi tu và nhập pháp danh Diệu Nhân. Suốt thời thơ ấu bà được sống trong cung của Hoàng thành Thăng Long. Những suy nghĩ, triết lý sống của người Tràng An thế kỷ XI được bà đúc kết trong bài kệ nổi tiếng Sinh, lão, bệnh, tử:

Sinh, lão, bệnh, tử
Từ xưa lẽ thường
Những mong thoát tục,
Cởi càng vướng thêm
Khi mê cầu Phật
Khi lỗi cầu thiền
Không cầu Thần, Phật
Lời uổng, chuốc phiền.

Đến thế kỷ XV, thời vua Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông xuất hiện nữ sĩ Ngô Chi Lan. Các nhà nghiên cứu văn học đánh giá bà là người phụ nữ đầu tiên góp phần quan trọng vào sự phát triển thơ ca thành văn ở Việt Nam. Bà đem một hơi thở mới về nội dung và hình thức nghệ thuật thổi vào bầu không khí đang ngột ngạt với thể thơ chặt chẽ thừa hưởng từ đời Đường. Bài thơ Khúc hát hái sen của bà toát lên vẻ đẹp thanh sáng và tươi tắn ở vùng Tây Hồ Thăng Long xưa:

Kìa kìa cô ả tóc xanh
Trong khi nhàn rỗi ra ghềnh hái sen
Dịu dàng kín đáo thuyền quyên
Miệng hoa chúm chím ngồi thuyền tập bơi

Hai thế kỷ XVI, XVII xảy ra nhiều biến động, chiến tranh (từ năm 1558 đến 1786). Rất nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật của Thăng Long - Đông Đô bị mất hoặc bị đốt. Tác phẩm của Đoàn Thị Điểm (1705-1748) ra đời vào thời kỳ hỗn loạn và phản ánh nỗi lo buồn của nhân dân. Đoàn Thị Điểm là một hiện tượng trong văn học Việt Nam. Tuy bà viết rất nhiều thơ, nhưng nổi tiếng hơn hết là một bản dịch được xem là hay hơn bản gốc. Nhà văn Mỹ Lady Borton đánh giá: “Việc Đoàn Thị Điểm chuyển sang chữ Nôm bản Chinh phụ ngâm khúc bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của Việt Nam và là những lời than đau buồn nhất về chiến tranh trong nền văn học thế giới”.

Cuối Lê, đầu đời Nguyễn, một tài thơ nữ xuất hiện. Đó chính là bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Bà sống nhiều năm ở Kinh thành Thăng Long, bên hồ Tây. Là người thấu hiểu sự ràng buộc gò bó, khuôn thước của xã hội phong kiến, bà đã làm thơ đả phá những thói thường khinh rẻ phụ nữ, thói đạo mạo nửa chừng của đám nhà nho, sư mô đương thời. Thơ Hồ Xuân Hương còn phá tung cả các quy phạm, công thức. Lối viết ẩn dụ, hóm hỉnh với ngôn từ sắc sảo đã khiến những vần thơ của bà có sức sống động lạ thường. Khung cảnh hồ Tây với những đêm trăng lấp lánh sóng bạc đã đi vào một số bài thơ của bà với cái nhìn sắc sảo, mỉa mai, trong đó có bài Trăng thu:

Một trái trăng thu chín mõm mòm,
Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom!
Giữa in chiếc bích khuôn còn méo,
Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc,
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.
Hời người bẻ quế rằng ai đó,
Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm.

Một nữ sĩ có tiếng ở thời Nguyễn là Bà Huyện Thanh Quan. Bà tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê làng Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sinh ra ở thời chế độ phong kiến ngày một già cỗi, đất văn vật Thăng Long xưa đến thời nhà Nguyễn chỉ là Bắc Thành - một trấn thành lớn ở phía bắc. Kinh đô đã chuyển dời vào Huế, nên điệu thơ của Bà Huyện Thanh Quan chất chứa nỗi lòng hoài cổ, luyến tiếc trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Giáo sư Phạm Thế Ngũ nhận xét: “Bài thơ cổ kính mà thanh thoát nhẹ nhàng, ước lệ mà có hồn, có cảm. Sự phối hợp của ý tưởng với âm thanh đã gây nên một thi điệu tự nhiên, uyển chuyển, hấp dẫn; khác xa những dòng chữ chắp nối công phu mà vẫn lủng củng, không hồn của đa số các bài thơ tiền Nguyễn”. Có lẽ Thăng Long là nơi Bà Huyện Thanh Quan để lòng mình sâu nặng nhất. Những bài thơ khác của bà như Chùa Trấn Bắc, Tức cảnh chiều thu... đều viết về mảnh đất này với điệu thơ buồn man mác. Có lẽ chính nỗi buồn và tâm hồn kín đáo, sâu sắc đã tạo nên một bút pháp riêng chỉ Bà Huyện Thanh Quan mới có.

Điểm qua vài sáng tác của các tài thơ nữ Việt Nam đã từng gắn bó Kinh thành Thăng Long để chúng ta hiểu được tâm hồn, tình cảm của những thế hệ phụ nữ Tràng An từ những thế kỷ trước, càng thấy yêu quý hơn mảnh đất nghìn năm văn hiến luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tài thơ nữ với Kinh thành Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.