Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các ngân hàng thương mại: Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Hà Linh| 17/08/2021 06:06

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại đang phải nỗ lực giảm áp lực nợ xấu để có điều kiện tiếp tục chia sẻ khó khăn, trợ giúp doanh nghiệp.

Các ngân hàng thương mại đang nỗ lực giảm nợ xấu để có điều kiện tiếp tục chia sẻ, trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ảnh chụp tháng 6-2021. Ảnh: Nhật Nam

Nợ xấu có nguy cơ tăng

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,78%. Mặc dù đây chưa phải là con số đáng lo ngại, song, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, nợ xấu có nguy cơ sẽ là rủi ro cho các ngân hàng. Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ sẽ còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, người dân. Dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể lên đến 2,5% vào cuối năm 2021.

Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Nội cho biết, gần 2 năm qua, du lịch gần như dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, doanh nghiệp không có dòng tiền trả vốn vay ngân hàng. Doanh nghiệp xin cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ nhưng như vậy đồng nghĩa với nguy cơ khoản vay sẽ bị chuyển nhóm nợ xấu.

Đại diện các ngân hàng cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp gửi đơn đề nghị hoãn nợ vì không có điều kiện trả trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, không chỉ lĩnh vực vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động của dịch Covid-19, kể cả những đơn vị sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trước đây. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến ngân hàng khi doanh nghiệp không có dòng tiền để trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh một số quy định theo hướng tăng cường hỗ trợ kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho doanh nghiệp.

Trích lập dự phòng, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Ngân hàng Nhà nước, trước xu hướng tỷ lệ nợ xấu tăng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm nay và cuối năm 2022. Việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 2% thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng.

Thực tế thời gian qua, các ngân hàng đã không ngừng tăng trích lập dự phòng. Với Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi phí dự phòng rủi ro những tháng đầu năm 2021 tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020, lên 5.500 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng trích lập 8.456 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 28%. Với các ngân hàng nhỏ, tỷ lệ trích lập dự phòng tăng khá mạnh. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) dự phòng nợ xấu tăng 43%, lên 320 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) tăng 44%, lên 417 tỷ đồng…

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, với mỗi đồng vốn cho vay các ngân hàng trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Ngân hàng nào có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn.

Mặt khác, trong kiểm soát nợ xấu, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để doanh nghiệp phục hồi nhanh, từ đó có điều kiện trả nợ ngân hàng cũng là việc quan trọng. Mới nhất, 16 ngân hàng thương mại lớn (chiếm 75% dư nợ) đã giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, ước tính khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Điểm khác biệt của đợt giảm lãi suất lần này là có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính được hỗ trợ hơn. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5-2%/năm.

Đại diện Vietcombank cho hay, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng. Còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dự kiến dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng từ nay đến hết ngày 31-12-2021. 

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, đến nay, gần 800.000 khách hàng đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay, với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số tiền lãi các ngân hàng đã giảm trực tiếp hoặc gián tiếp cho các khoản vay lên tới khoảng 18.830 tỷ đồng.

Theo ông Đào Minh Tú, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh một số quy định theo hướng tăng cường hỗ trợ cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành để giải quyết hài hòa mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm không làm suy giảm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng do nợ xấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng thương mại: Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.