Tại cuộc họp giao ban báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông thường kỳ diễn ra chiều nay 8-8, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Huyền cho biết, đoàn kiểm tra toàn diện mạng xã hội TikTok Việt Nam hiện đang hoàn thiện các nội dung liên quan và khi nào có kết luận sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
Trả lời câu hỏi của báo chí về đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các nền tảng mạng xã hội yêu cầu phải định danh người dùng, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ, có quy định 3 hình thức xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội. Cụ thể, nền tảng mạng xã hội phải xác thực khách hàng bằng: Số điện thoại di động, thư điện tử, căn cước công dân.
Đến nay, việc xác thực khách hàng trên các mạng xã hội qua số điện thoại chiếm 30%, email 30%... Một số mạng xã hội chọn 1 đến 2 hình thức xác thực.
Việc yêu cầu xác thực người dùng xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hiện nay tình hình tội phạm trên không gian mạng có xu hướng gia tăng với các hành vi lừa đảo người dân, do vậy, việc xác thực người dùng mạng xã hội là rất cần thiết. Thêm nữa việc quản lý các tài khoản mạng xã hội cũng là cần thiết nhằm tạo môi trường lành mạnh vì mạng xã hội phát triển nhanh, rộng, do đó cần xác thực để tăng trách nhiệm và ý thức của người dùng.
Ngoài ra, quy định bổ sung yêu cầu xác thực người dùng bằng số điện thoại là phù hợp với quy định hiện hành (Luật An ninh mạng), để điều tra hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Người dùng có xu hướng chuyển từ máy tính sang điện thoại di động, do đó cần thay đổi phương thức xác thực. Việc yêu cầu xác thực người dùng có tính khả thi cao khi các mạng xã hội trong và ngoài nước đều thực hiện việc này.
Về đề xuất cắt internet với một số tổ chức, cá nhân có vi phạm trên mạng, bà Nguyễn Thanh Huyền cho biết, có trường hợp những cá nhân, tổ chức lợi dụng tính năng livestream để tuyên truyền nội dung xúc phạm, thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, để tăng cường hiệu quả xử lý các cá nhân vi phạm, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất biện pháp xử lý nhanh với các đối tượng sử dụng livestream. Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất biện pháp để xử lý khẩn cấp, xử lý nhanh, ngừng internet với các tổ chức, cá nhân để hạn chế việc cung cấp nội dung vi phạm trong một số tình huống…
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tài khoản xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội. Đề xuất này nằm trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Dự thảo này được Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện để trình Chính phủ.
Dự thảo được bổ sung, sửa đổi một số quy định về quản lý nền tảng xuyên biên giới và nội dung thông tin trên không gian mạng. Trong đó có quy định mạng xã hội phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Việc định danh này được thực hiện bằng cách xác thực tên thật và số điện thoại. Dự kiến, các mạng xã hội chỉ cho tài khoản đã được định danh viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp). Nếu không, người dùng chỉ được xem nội dung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.