Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các hồ ngoại thành Hà Nội: Bao giờ được hồi sinh?

Hải Hưng| 30/12/2010 07:13

(HNMO)- Ngoài những chức năng giống như các hồ trong nội thành, hồ chứa nước tại khu vực ngoại thành còn có nhiệm vụ quan trọng khác là cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn héc ta đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện chúng đang bị bồi lắng, xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng… Làm gì để tránh sự “già cỗi”, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa ngoại thành đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

(HNMO)- Ngoài những chức năng giống như các hồ trong nội thành, hồ chứa nước tại khu vực ngoại thành còn có nhiệm vụ quan trọng khác là cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn héc ta đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện chúng đang bị bồi lắng, xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng… Làm gì để tránh sự “già cỗi”, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa ngoại thành đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Bài 1: Đất hồ, mạnh ai nấy “xẻo”

Chẳng phải đến tận bây, khi giá đất lên cao, người ta mới tìm đủ mọi cách để lấn chiếm đất hồ. Và cũng chẳng riêng gì khu vực nội thành, tại khu vực ngoại thành, nhất là các địa phương thuộc Hà Tây (cũ) cách đây khoảng chục năm, tình trạng lấn chiếm đất hồ đã diễn ra lúc thì âm ỉ, lúc thì rầm rộ với nhiều chiêu thức được khai triển.

“Mượn” tạm lòng hồ để sử dụng

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 3 hồ chứa lớn, gồm: Miễu (diện tích 17 ha, dung tích 2,5 triệu m3 nước); Đồng Sương (diện tích 203 ha, dung tích 10 triệu m3 nước) và Văn Sơn (diện tích 167 ha, dung tích 7 triệu m3 nước). Cách đây 8- 9 năm, do khu vực này có cảnh quan đẹp, hơn nữa khi đường Hồ Chính Minh được triển khai xây dựng, giao thông thuận lợi hơn, nên các hồ chứa trên địa bàn huyện ngày một thêm có “giá”… Điều đó lý giải tại sao những năm gần đây, các hộ dân sinh sống quanh các hồ đã bằng mọi cách để lấn chiếm đất hồ.

Đến tận bây giờ, tại hồ Đồng Sương thuộc địa phận xã Trần Phú (Chương Mỹ), vẫn còn thấy dấu tích của công trình xây dựng trên diện tích khoảng 1.000 m2 ngay khu vực cửa tràn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm thủy sản (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy) cho biết, đây là công trình vi phạm trong năm 2009, nhưng đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế, giải tỏa. Tuy nhiên, xem ra việc giải tỏa công trình này còn chưa triệt để, bởi thực tế vẫn còn các hàng cột xây bằng gạch không nung khá vững chắc, cây trồng lâu năm vẫn xanh tươi và được quy hoạch thật đẹp mắt như chỉ chờ có cơ hội là biến thành cơ ngơi khang trang, không cần phải mất công, mất sức đầu tư nhiều.


Đang tồn tại một thực tế, đất của các hồ ở ngoại thành mạnh ai nấy "xẻo"


Song, vào đến khu vực eo Hóc Quốc của hồ Đồng Sương, tình trạng lấn chiếm còn nghiêm trọng hơn. Một con đập to bằng đất ước dài gần 100 m, được đắp vừa cao, vừa rộng, cỏ mọc xanh tốt đã biến một phần “thịt” của lòng hồ Đồng Sương thành khu ao, vườn và nhà ở của người dân. Theo ông Tuấn, đây là khu vực giáp ranh giữa xã Trần Phú (Chương Mỹ) và xã Thành Lập (Lương Sơn, Hòa Bình)… nên tình hình lấp đất lấn chiếm lòng hồ diễn ra rất phức tạp. Trên thực tế, tại khu vực này cơ quan chức năng đã rất nhiều lần tiến hành cưỡng chế, giải tỏa vi phạm, trong đó lần giải tỏa lớn nhất là vào năm 2004 với diện tích lấn chiếm lên đến cả chục nghìn m2. Khu vực ao, vườn, nhà cửa kể trên cũng vừa tái lấn chiếm trở lại, với diện tích khoảng 5.000m2. Khi phát hiện vi phạm, đại diện Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy (đơn vị được giao quản lý hồ) đã tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng ngay việc san lấp trái phép, nhưng vì là khu vực giáp ranh với tỉnh bạn, nên Công ty gặp rất nhiều khó khăn khi phối hợp với chính quyền xã Thành Lập (Lương Sơn) để ngăn chặn, cũng như xử lý vi phạm. Vì thế, khu vực vi phạm này đành để cho người dân xã Thành Lập “mượn tạm” để sử dụng.

Cha chung không ai khóc?

Theo ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, hiện nay, tại khu vực ngoại thành Hà Nội có hơn 90 hồ chứa lớn, nhỏ và số vụ lấn chiếm, vi phạm lên đến hàng nghìn vụ, chủ yếu tập trung tại các hồ lớn. Chỉ tính riêng tại 3 hồ chứa trên địa bàn huyện Chương Mỹ, tính đến năm 2009, số vụ vi phạm đã là 230 vụ. Trong đó có 125 vụ ở hồ Văn Sơn; 97 vụ ở hồ Đồng Sương. Theo ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy, số vụ vi phạm lấn chiếm lòng hồ cần phải giải tỏa ngay gần 10 vụ. Mặc dù Công ty đã có báo cáo và đề nghị UBND huyện Chương Mỹ có biện pháp giải tỏa các vi phạm trên, nhưng đến nay vẫn chưa hề có động tĩnh gì. Qua tìm hiểu được biết, gần chục năm qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ chỉ có một đợt giải tỏa vi phạm các hồ chứa vào năm 2003, khi mà tỉnh Hà Tây (cũ) tổ chức đồng loạt ra quân giải tỏa vi phạm các công trình thủy lợi.

Ông Doãn Văn Kính bày tỏ, với quyền hạn và trách nhiệm của mình, khi phát hiện các trường hợp vi phạm, lấn chiếm hồ chứa, Công ty chỉ có thể phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp vi phạm bị lập biên bản đều không có người ký, vì các chủ vi phạm không có mặt tại hiện trường, người có mặt lại chỉ là người làm thuê. Còn ông Nghiêm Xuân Đông bức xúc, theo quy định của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, phần đất trong hành lang bảo vệ của các hồ chứa (phần đất này được tính từ cao trình đập trở xuống lòng hồ) đều bị nghiêm cấm xây dựng các công trình kiến trúc. Nhưng hiện nay, ở không ít hồ chứa ngoại thành, phần đất trong hành lang bảo vệ hồ đang bị vi phạm hết sức nghiêm trọng, qua nhiều năm vẫn chưa được chính quyền các địa phương xử lý giải tỏa.


Thoáng nhìn, ai cũng nghĩ đây là hoạt động nạo vét, cải tạo hồ chứa nước, nhưng thực tế lại là hành động "cướp" đất hồ. (Ảnh chụp ngày 19-3-2010 tại eo Hóc Quốc hồ Đồng Sương- nơi giáp ranh giữa xã Trần Phú (Chương Mỹ) và xã Thành Lập (Lương Sơn)


Đáng lo ngại hơn, thời gian gần đây, tình trạng tái vi phạm, cũng như vi phạm mới đang có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn trước. Bởi trên thực tế, không ít người có tiền trong khu vực nội thành sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua đất ven hồ tại ngoại thành, cho dù đó là đất lấn chiếm trái phép. Vì thế, các hộ dân sinh sống cạnh hồ chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu đồng để thuê máy xúc, thuê nhân công lấp đất, lấn hồ thành công là họ có thể có trong tay hàng trăm triệu đồng.

Đang tồn tại một nghịch lý là các đơn vị quản lý hồ chứa chỉ có trách nhiệm phát hiện, báo cáo và phối hợp cùng chính quyền địa phương lập biên bản các trường hợp vi phạm, còn việc xử lý vi phạm lại phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm ngay từ ban đầu của không ít chính quyền cấp xã còn thiếu kiên quyết, thậm chí là tắc trách. Do đó, hậu quả tất yếu là chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết các trường hợp vi phạm đã thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên. Bởi vậy, vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm, thì đã phát sinh vi phạm mới. Và như vậy, mỗi ngày qua đi các hồ ngoại thành lại tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp.

Còn tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các hồ ngoại thành Hà Nội: Bao giờ được hồi sinh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.