(HNM) - Triển khai nhanh các dự án phát triển kinh tế có vai trò quan trọng giúp nông dân nâng cao thu nhập, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).
Xã Thụy Hương là một trong những điểm sáng của Hà Nội về công tác xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt
Thành phố Hà Nội hiện đang triển khai xây dựng NTM tại 4 xã trong đó có 1 xã điểm của trung ương là Thụy Hương, 3 xã điểm của thành phố là Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì), Song Phượng (Đan Phượng). Theo đánh giá của Chi cục PTNT, hiện các địa phương làm điểm đang tích cực triển khai nhiều phần việc. Tại xã Thụy Hương, đã có 13/19 tiêu chí đạt từ 90-100%; 6/19 tiêu chí đạt 70%. Xã Mai Đình đã xây dựng xong 1 nhà văn hóa thôn; 7 nhà dân xuống cấp; mua 80 xe thu gom rác, 1 máy gặt đập liên hợp. Xã Song Phượng đã thi công xong 11 dự án (4 ao môi trường; nhà đoàn thể; trường mầm non; nhà hiệu bộ trường tiểu học; 4 tuyến đường ngõ xóm). Xã Đại Áng đã hoàn thành dự án chiếu sáng thôn và đang triển khai các công trình xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, các công trình đã và đang triển khai hầu hết mới chủ yếu dừng lại ở xây dựng cơ bản, các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân triển khai rất chậm. Tại xã Song Phượng, trước khi xây dựng NTM, nông dân trong xã vẫn trồng các loại cây rau, cây ngô truyền thống nên giá trị không cao. Theo đề án xây dựng NTM của xã, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã triển khai dự án trồng 31,3ha hoa và rau an toàn và dành 10ha phát triển công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn chưa được triển khai. Nông dân vẫn sản xuất theo nếp cũ với quy mô nhỏ, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn ít.
Xã Đại Áng thuộc vùng trũng của huyện Thanh Trì nên có nhiều thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Thực hiện đề án NTM, xã đã quy hoạch 67ha khu nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp với khu du lịch sinh thái. Qua các bước họp dân, dự án đã nhận được sự hưởng ứng cao. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt do bị trùng với quy hoạch tuyến đường 21m từ đường Phan Trọng Tuệ vào xã đang chờ điều chỉnh. Còn tại xã Thụy Hương là xã được đầu tư thí điểm mô hình NTM sớm nhất nhưng đến nay sau gần một năm rưỡi triển khai, các dự án phát triển kinh tế chưa phát huy hiệu quả. Ba dự án của xã gồm sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, cây ăn quả, hoa, cây cảnh mới vừa được phê duyệt, tiến độ triển khai hết sức chậm.
Tháo gỡ vướng mắc
Ông Tạ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho rằng, đối với các tiêu chí trong xây dựng NTM thì khó nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nếu như xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ cần "rót" tiền đầu tư vào là có thể hoàn thành thì làm gì để phát triển sản xuất nhanh, tăng thu nhập cho nông dân lại là điều rất bí đối với các địa phương. Hiện dự án hoa và rau sạch của xã mới được phê duyệt, xã đã tổ chức họp dân. Tuy nhiên, do đất đai manh mún, không gọn vùng, gọn thửa nên trước khi triển khai dự án cần nhiều thời gian để dồn ghép ruộng. Việc thực hiện các dự án phải qua nhiều bước từ lập dự án, chờ phê duyệt, xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyên truyền tập huấn đến dân… mất rất nhiều thời gian. Còn tại xã Thụy Hương, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Học, để nâng cao thu nhập của người dân từ mức 10 triệu đồng/người/năm hiện nay lên 17 triệu đồng vào năm 2011 đối với xã vẫn là điều vô cùng khó khăn. Muốn đạt được tiêu chí trên, Thụy Hương phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo đề án đã được phê duyệt, trong khi đầu tư cho nông nghiệp phải mất nhiều năm mới có hiệu quả. Đối với các vùng trồng cây ăn quả, phải mất 4-5 năm. Đó là chưa kể đến hàng loạt các khó khăn khác như đầu ra cho nông sản còn bấp bênh, việc sản xuất gặp nhiều rủi ro gây trở ngại cho các dự án.
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập giữa yêu cầu sản xuất hàng hóa với ruộng đất manh mún. Hiện diện tích đất canh tác bình quân cả nước chỉ đạt 1,6 ha/hộ, còn tại Đồng bằng sông Hồng diện tích đất canh tác cũng chỉ xấp xỉ 0,35 ha/hộ và có tới 3-4 mảnh ruộng/hộ. Chính bất cập giữa sản xuất tiểu nông và thị trường lớn đã khiến nông dân luôn gặp khó khăn. Do vậy, phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư hạ tầng cho sản xuất, đào tạo nghề cho nông dân, đưa khoa học công nghệ mới vào nông nghiệp mới cho hiệu quả bền vững.
Nhiều ý kiến từ các địa phương đang triển khai xây dựng NTM cho rằng, xây dựng NTM là việc làm rất mới, các địa phương vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở còn hạn chế, quá trình triển khai còn nhiều lúng túng đặc biệt trong các khâu lập, quản lý và thi công các dự án. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của các ngành chức năng sẽ rất khó thành công. Việc phê duyệt các dự án liên quan đến nhiều ngành chức năng, qua rất nhiều thủ tục, cần nhiều thời gian. Thành phố và các sở, ban, ngành cần sớm có cơ chế rút ngắn các thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.