Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các đơn vị, địa phương của Hà Nội: Bảo đảm phòng dịch, không đình trệ công việc

Nhóm phóng viên| 26/07/2021 16:14

(HNMO) - Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19, các sở, ngành, địa phương đều đã chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến, bảo đảm phòng, chống dịch đồng thời duy trì kỷ luật công vụ và chất lượng công việc.

Làm việc trực tuyến, duy trì kỷ luật công vụ

Tại Sở Xây dựng Hà Nội, Chánh Văn phòng Sở Phạm Anh Tuấn cho biết, ngay trong ngày 24-7, Sở Xây dựng đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được UBND thành phố giao.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: Trực cơ quan, xử lý tài liệu mật… mới đến làm việc tại công sở.

“Mặc dù làm việc trực tuyến, song các nhiệm vụ vẫn được các phòng, ban bảo đảm đúng tiến độ, như báo cáo UBND thành phố xem xét cho phép các công trình xây dựng trọng điểm cấp bách hoạt động; chỉ đạo bảo đảm cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường phục vụ nhân dân trong thời gian giãn cách; rà soát, báo cáo thành phố trưng dụng các công trình phục vụ công tác phòng, chống dịch...”, ông Tuấn thông tin.

Tương tự, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sáng 26-7, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Hồng Chung cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch, quán triệt trong toàn thể cán bộ, người lao động yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch; duy trì kỷ luật công vụ, không để những khó khăn do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc.

Sở đã công bố số điện thoại đường dây nóng (0243.9421420) tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch Covid-19 để có biện pháp ứng phó nhanh, hiệu quả. Đồng thời, để duy trì công việc hiệu quả, Sở chỉ đạo các phòng, ban đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường giao ban trực tuyến giữa các đơn vị, trường học để kịp thời điều hành công việc, tuyệt đối không để gián đoạn việc hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021, chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. 

Còn theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, các phòng, đơn vị thuộc Sở đã chuyển sang làm việc theo hình thức trực tuyến, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, các phòng: Kế hoạch - Tài chính, Quản lý công nghệ, Quản lý khoa học, Quản lý sở hữu trí tuệ chủ động phân lịch làm việc tại trụ sở cho công chức theo ca (sáng, chiều), từ 1-2 người/ca, để bảo đảm trực điện thoại 24/24. Các phòng, ban khác làm việc trực tuyến tại nhà, bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định...  

Công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà phải giữ liên lạc thông suốt, thường xuyên kiểm tra phần mềm quản lý văn bản và email; đồng thời lưu ý bảo mật thông tin trong các giao dịch công vụ. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo hằng ngày theo 3 khung giờ: 7h, 11h, 17h và đột xuất trong các trường hợp phát sinh.

Tại Sở Nội vụ, việc áp dụng hình thức làm việc trực tuyến đối với 50% công chức, viên chức, nhân viên tiếp tục được duy trì. Đối với những người được phân công làm việc trực tuyến tại nhà cũng phải thực hiện nghiêm túc nội dung công việc được giao, sẵn sàng đến cơ quan giải quyết công việc theo yêu cầu. Cùng với đó, các đơn vị cũng được giao hoàn thiện các phương án kịch bản ứng phó các tình huống phòng, chống dịch khi có diễn biến bất thường. 

Từ ngày 24-7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tạm dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thiết thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến và phải được Giám đốc Sở đồng ý. Các cơ quan, đơn vị thuộc Sở thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng để người dân biết, liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 bảo đảm kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống, khuyến khích các đơn vị lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến người dân.

Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai khẩn trương, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động và người sử dụng lao động; duy trì hoạt động của đường dây nóng để tiếp thu ý kiến phản ánh và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động lập hồ sơ thụ hưởng chính sách. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần xem xét, đề xuất hỗ trợ hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bố trí viên chức, người lao động hợp lý để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, quản lý người nghiện ma túy, các đối tượng bảo trợ xã hội, phục vụ tang lễ…

Bảo đảm giãn cách, không để đình trệ công việc

Không để công việc đình trệ cũng là yêu cầu đặt ra đối với các cấp chính quyền khi triển khai làm việc trực tuyến. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch, Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 14 phường chấp hành nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND về tổ chức làm việc trong 15 ngày giãn cách, coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Mỗi đơn vị bố trí ít nhất 1 người trực tại cơ quan, 100% cán bộ, công chức làm việc trực tuyến qua phần mềm điều hành. "Phần mềm mà quận đang sử dụng tích hợp cả kế hoạch công tác, họp trực tuyến, xử lý văn bản và xếp loại cán bộ, công chức; nên mặc dù không đến cơ quan, nhưng mọi công việc hằng ngày vẫn được thực hiện đầy đủ, có chất lượng", ông Nguyễn Thế Thạch nói.

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy phường Thượng Thanh (quận Long Biên) Phạm Thị Minh Hồng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, phường đã phân công nhiệm vụ cán bộ, công chức; duy trì trực phòng, chống dịch 24/24. Người dân cần thiết đến phường làm thủ tục đều phải thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt. Phường cũng đã áp dụng mô hình "một cửa" điện tử để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân. 

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho biết, quận đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của quận, do Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm điều hành, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, kịp thời công tác phòng, chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/24/7 và chế độ thông tin, báo cáo.

Để bảo đảm yêu cầu giãn cách, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu các phòng, ban, cơ quan, đơn vị bố trí luân phiên cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm chỉ 50% số người làm việc tại cơ quan; số còn lại làm việc tại nhà vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng, yêu cầu công việc được giao.

"Qua theo dõi, nắm bắt tình hình cho thấy, nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức đều nghiêm túc chấp hành các yêu cầu của thành phố và của quận, vừa bảo đảm giãn cách để phòng, chống dịch, vừa cố gắng triển khai thực hiện các phần việc chuyên môn được giao", ông Trần Quý Thái cho hay.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đơn vị, địa phương của Hà Nội: Bảo đảm phòng dịch, không đình trệ công việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.