Nghị quyết và Cuộc sống

Các địa phương của Hà Nội tập trung hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025: Dồn lực, tăng tốc về đích

Hương Ly 09/01/2024 - 06:46

Vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2023 thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô ước tăng 6,27%; an sinh xã hội được bảo đảm.

Kết quả này là nền tảng quan trọng để Đảng bộ thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, tăng tốc sớm về đích trong thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô.

thu-ngan.jpg
Năm 2023, thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm ước đạt 100,3% dự toán năm (khoảng 15.980 tỷ đồng). Trong ảnh: Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đỗ Tâm

Những kết quả đáng khích lệ

Hiện Ban Chấp hành Đảng bộ các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đánh giá kết quả năm 2023 và thảo luận phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Kết quả đạt được cho thấy, các đảng bộ đã tiến sát tới việc hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại quận Đống Đa, năm 2023, địa phương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đáng chú ý, công tác giải ngân vốn đầu tư công là 477,5 tỷ đồng, đạt 144,7% kế hoạch thành phố giao; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 100%; mức độ hài lòng của người dân tăng cao. Trong khi đó, ở quận Hoàn Kiếm, doanh thu ngành thương mại - dịch vụ năm 2023 tăng 15,7%, đạt 101,8% so với kế hoạch; thu ngân sách ước đạt 100,3% dự toán năm (khoảng 15.980 tỷ đồng). Các lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức trang trọng, thiết thực, góp phần quảng bá và phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ.

Quận Hoàng Mai cũng hoàn thành và hoàn thành vượt mức 18/18 chỉ tiêu kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế quận ước tăng 10,74%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 105,15% dự toán. Chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023 đạt 200% kế hoạch và chính thức xóa hộ nghèo trên địa bàn.

Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thạch Thất mới đây cho thấy, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 36.258 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.146 tỷ đồng, bằng 127% dự toán thành phố giao. Huyện đã hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới theo hướng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Còn tại huyện Ứng Hòa, có 3 xã: Hòa Xá, Hòa Phú, Đông Lỗ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện đã giảm được 44 hộ nghèo, đạt 275% kế hoạch.

Chủ động giải quyết khâu yếu, việc khó

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, năm 2024 sẽ là năm “nước rút” trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, quận Hoàn Kiếm sẽ đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm. Song hành với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, quận tập trung nguồn lực tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè; chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch..

Xác định năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho biết, huyện sẽ tiếp tục cải thiện và thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh quảng bá và phát triển du lịch, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 15,3%... Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền thông tin, huyện đặt ra mục tiêu làm tốt công tác quản lý đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tập trung thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục, hướng tới xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, năm 2024, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp. Tập trung giải quyết những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt. Đặc biệt là cải thiện thực chất việc phân cấp, ủy quyền, quyết tâm tăng tốc, sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025.

thanh-liem.jpg

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm:

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh

Năm 2023, huyện Mê Linh đã hoàn thành 16/16 chỉ tiêu kế hoạch thành phố Hà Nội giao. Đáng chú ý, huyện Mê Linh có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch là giảm số hộ nghèo; tăng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, huyện Mê Linh sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo sự đột phá về kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Huyện yêu cầu các phòng, ban, đơn vị tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ; đẩy mạnh quảng bá và phát triển du lịch; tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị…

anh-dung.jpg

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng:

Tạo đột phá về kỷ cương hành chính

Năm 2023, Đảng bộ huyện Mỹ Đức đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giao. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công 16 phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.011 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.300 tỷ đồng, bằng 446% dự toán thành phố giao, mức cao nhất từ trước đến nay…

Bước sang năm 2024, huyện Mỹ Đức sẽ tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, huyện sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo đột phá về kỷ cương hành chính. Huyện Mỹ Đức đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã: Thượng Lâm, Hợp Tiến, Hợp Thanh; xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã: An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Đại Hưng. Đặc biệt, huyện sẽ đổi mới mô hình tổ chức, quản lý phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn…

quang-trung.jpg

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung:

Chủ động rà soát vấn đề dân sinh, bức xúc

Với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, năm 2023, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành 21/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Phát huy kết quả đã đạt được, quận Hai Bà Trưng yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, chỉ rõ các vấn đề gây bức xúc dân sinh để tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Quận yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Qua đó, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của năm 2024: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại và dịch vụ trên 18%; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng trên 11%; duy trì tỷ lệ phường đạt chuẩn quốc gia về y tế là 100%...

Nguyên Anh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương của Hà Nội tập trung hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025: Dồn lực, tăng tốc về đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.