(HNM) - Ngày 20-7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức hội nghị đánh giá việc triển khai dịch vụ 3G của các doanh nghiệp (DN) đã trúng tuyển (gồm Vinaphone, Mobifone, Viettel và liên danh Hà Nội Telecom - EVN Telecom).
Các nhà cung cấp dịch vụ di động đã lắp đặt 30.334 trạm thu phát sóng (BTS) trên cả nước.
Tính đến thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ di động Viettel, Vinaphone, Mobifone, EVN Telecom-HanoiTelecom đã lắp đặt 30.334 trạm thu phát sóng (BTS) trên cả nước. Trong đó, vùng phủ sóng (tính theo dân số và diện tích lãnh thổ) đạt tỷ lệ cao từ 54,71% (thời điểm cung cấp dịch vụ) đến 93,68% hiện nay. Đáng chú ý, các DN đều sử dụng 100% hạ tầng trạm BTS 2G sẵn có để triển khai mạng 3G. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng 3G trung bình tháng với dịch vụ truyền dữ liệu từ 5,4% đến 34,32%; tổng số thuê bao 3G hiện nay đạt 8 triệu thuê bao; tốc độ truy nhập internet di động đạt 7,2 Mb/s và tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt hơn 98%.
Với các DN, trong hồ sơ thi tuyển 3G có phần cam kết cụ thể về mức đầu tư, xây dựng mạng lưới… và thực tế cho thấy ba "đại gia" đều vượt chỉ tiêu. Công ty Vinaphone là một ví dụ. Tại thời điểm khai trương (sau 1 tháng nhận giấy phép), nhà mạng này đã lắp đặt được hơn 3.000 BTS 3G (vượt chỉ tiêu hơn 100 trạm so với cam kết), cung cấp dịch vụ tại 63 tỉnh, TP (cam kết là 49 tỉnh, TP). Đến nay, Vinaphone đã có 8.700 BTS 3G, có 7 triệu thuê bao đã sử dụng dịch vụ 3G, trong đó có 3,7 triệu thuê bao thường xuyên sử dụng. Mobifone hiện có 5.400 BTS 3G, dự kiến đến tháng 12-2011 sẽ đạt 8.500 trạm (hoàn thành trước thời hạn 1 năm). Đáng chú ý, năm 2010 Mobifone đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu từ 3G (gồm cả thoại và dữ liệu). Viettel công bố hiện đã có 17.000 trạm BTS 3G (cam kết đạt 15.000 trạm sau 3 năm) - không chỉ vượt cả về số lượng mà còn hoàn thành về hạ tầng trước thời gian quy định 1 năm.
Tại hội nghị, lãnh đạo các DN đều đề nghị Bộ TT-TT xem xét cho phép rút nốt tiền cọc để các nhà mạng tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Hà Nội Telecom đề xuất, với những nhà mạng đã thực hiện 70-80% theo như cam kết trong vòng 3 năm (đến nay mới được 2 năm), Bộ cũng nên nghiên cứu cho phép các đơn vị được rút 70-80% tiền cọc còn lại. Ghi nhận các ý kiến này, Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp đã yêu cầu Vụ Tài chính - Kế toán phối hợp với các bên liên quan thực hiện các thủ tục để giải ngân vốn giúp các DN tái đầu tư. Theo cam kết trong hồ sơ thi tuyển cung cấp 3G, 5 nhà mạng phải đặt cọc 8.100 tỷ đồng tại một trong hai ngân hàng thương mại lớn của nhà nước. Cuối năm 2010, sau khi thực hiện kiểm tra việc triển khai dịch vụ này tại 3 "đại gia": Viettel, Mobifone, Vinaphone, Bộ TT-TT đã cho phép 3 nhà mạng trên được rút 50% số tiền cọc, tương ứng với 3.750 tỷ đồng. Do vậy, những đề xuất, kiến nghị của các DN tại hội nghị này là có cơ sở, nhất là khi còn 1 năm nữa mới đến thời hạn cam kết 3 năm - nhưng các nhà mạng lớn đã lần lượt đạt và vượt chỉ tiêu thực hiện. Một lý do nữa, trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, đặc biệt lãi suất ngân hàng cao gây khó khăn cho hoạt động của DN… Do vậy, việc Bộ TT-TT cho phép những đơn vị này được rút nốt tiền cọc cũng được coi là giải pháp giúp các DN đạt chỉ tiêu cao trong sản xuất kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.