Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các cuộc chiến ở Trung Đông

Trung Hiếu| 03/10/2011 06:50

Nhà nước Israel, nhà nước Do Thái đầu tiên sau gần 2.000 năm chính thức tuyên bố độc lập vào ngày 14-5-1948 tại thành phố biển Tel Aviv. Sự ra đời của quốc gia này khi đó đã đẩy những bất đồng giữa Israel với thế giới Arab lên cao. Cả hai phía đều ráo riết chuẩn bị lực lượng đối phó nhau.

Chỉ một ngày sau khi Israel tuyên bố độc lập, quân đội 5 quốc gia là Jordan, Ai Cập, Lebanon, Syria và Iraq đã phát động tấn công Israel, song đều bị đẩy lùi. Trong giai đoạn đình chiến, lãnh thổ của Israel đã trải rộng gần phủ kín Palestine dưới thời Ủy trị của Anh trước đó. Ai Cập giữ Dải Gaza. Trong khi đó, Jordan thôn tính khu vực xung quanh Đông Jerusalem và dải đất Bờ Tây hiện nay. Trong năm 1948, lực lượng vũ trang Do Thái và Arab liên tục phát động các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu của nhau. Quân đội Do Thái, do nhóm vũ trang Irgun và Lehi đóng vai trò nòng cốt, đã giành được nhiều thắng lợi, chiếm cứ được thêm nhiều vùng đất mở rộng lãnh thổ nhà nước Do Thái, đồng thời chiếm cứ nhiều lãnh thổ của Palestine.

Tháng 1-1964, các chính phủ Arab đã chính thức bỏ phiếu thông qua kế hoạch thành lập Tổ chức giải phóng Palestine (PLO). Tổ chức của người Palestine này được thành lập dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các nước Arab. Tuy nhiên, người Palestine muốn một tổ chức độc lập thực sự. Ông Yasser Arafat được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch PLO năm 1969 và tổ chức Hồi giáo vũ trang Fatah của ông Arafat (được thành lập bí mật năm 1964) đã được quyền tiến hành các chiến dịch quân sự tấn công Israel. Lực lượng Fatah đã giáng nhiều đòn nặng nề cho quân đội nhà nước Do Thái.

Căng thẳng ngày càng leo thang đã dẫn đến cuộc chiến 6 ngày (từ 5 tới 11-6-1967). Cuộc xung đột đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện Trung Đông. Quân đội Israel đã chiếm đóng Gaza và vùng Sinai kéo dài từ miền Nam Ai Cập đến miền Bắc cao nguyên Golan của Syria. Israel còn đẩy lùi được lực lượng vũ trang Jordan ra khỏi Bờ Tây và Đông Jerusalem. Lãnh thổ Israel chiếm được đã gấp đôi diện tích nhà nước Do Thái trước đó. Cuộc xung đột đã buộc khoảng 500.000 người Palestine phải di tản sang Ai Cập, Syria, Lebanon và Jordan.

Ngay sau đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã ban hành Nghị quyết 242 nhấn mạnh thái độ "không thể công nhận các vùng lãnh thổ chiếm được thông qua kênh chiến tranh" và kêu gọi "Israel rút quân đội khỏi các vùng đất chiếm đóng" trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, Israel vẫn chưa chấp nhận.

Không thể lấy lại các vùng đất đã mất qua kênh ngoại giao, Ai Cập và Syria đã phối hợp phát động tấn công tổng lực vào Israel đúng ngày Sám hối hay còn gọi là Yom Kippur (từ 6 tới 26-10-1973), được gọi là chiến tranh Ramadan. Trong vòng 48 giờ đầu, quân đội Ai Cập và Syria giành nhiều chiến thắng, sau đó tình hình xoay chuyển theo hướng có lợi cho Israel. Tới tuần thứ hai của cuộc chiến, quân Syria đã bị đánh bật khỏi cao nguyên Golan. Tại Sinai, quân Israel đánh vào chỗ nối tiếp hai đạo quân Ai Cập, vượt kênh đào Suez (là tuyến ngưng bắn trước đó), cắt đứt Quân đoàn 3 Ai Cập, trước khi lệnh ngưng bắn của LHQ có hiệu lực. Trong trận chiến này, Ai Cập và Syria đã mất 8.500 quân. Israel cũng mất khoảng 6.000 quân.

Cuộc chiến có ảnh hưởng sâu rộng vì nhiều lý do khác nhau tạo tâm lý mở đường cho quá trình đàm phán hòa bình tiếp đó và cũng khởi đầu cho các chính sách tự do hóa của Ai Cập. Hiệp định hòa bình Trại David (1978) dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Ai Cập và Israel, lần đầu tiên một quốc gia Arab công nhận quốc gia Do Thái. Tháng 10-1973, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 338 yêu cầu các bên tham chiến ngừng bắn và chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự; đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán giữa các bên quan tâm nhằm đưa ra giải pháp kiến tạo hòa bình dài lâu tại Trung Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các cuộc chiến ở Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.