Chiều 21-2, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin về nguyên nhân và các biện pháp xử lý hiện tượng phụ gia đào hầm phun lên mặt đất trong quá trình khoan hầm bằng máy đào TBM, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Đã xác định nguyên nhân
Trong quá trình khoan ngầm bằng máy TBM số 1, phụ gia đào hầm phun lên từ cống thoát nước tại khu vực ngõ số 7 phố Giang Văn Minh, phường Kim Mã.
Chủ đầu tư là MRB cùng tư vấn Systra, nhà thầu Hyundai – Ghella và chính quyền địa phương (UBND phường Kim Mã) đã kiểm tra hiện trường, phối hợp xử lý.
Đến nay, nguyên nhân được xác định là do dưới lòng đất còn tồn tại các đường giếng nước cũ, cống thoát nước cũ không còn sử dụng, tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất.
Trong quá trình khoan, phụ gia khoan hầm được phun áp lực để giữ ổn định đất trước gương đào. Khi gặp lỗ hở, phụ gia khoan hầm kết hợp nước và vật liệu mịn trong đất sẽ theo các lỗ rỗng này trào lên mặt đất.
Hiện tượng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và kết thúc ngay sau khi máy TBM khoan qua và lắp đặt vỏ hầm. Đây là một hiện tượng thông thường trong quá trình thi công các công trình khoan hầm trong đô thị bằng TBM công nghệ cân bằng áp lực đất.
Chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn và nhà thầu khẩn trương huy động 6 xe hút bùn, 2 xe rửa đường cùng 100 công nhân khắc phục, bao gồm hút sạch vữa khoan và làm sạch bề mặt khu vực bị phụt vữa; trực tại hiện trường để theo dõi diễn biến, có biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường.
Hiện tượng này vẫn có thể xảy ra
Theo ông Sergei Papin – Trưởng kỹ sư hầm, Tư vấn Systra (Pháp), vật liệu phun lên mặt đất là hỗn hợp bùn, nước và phụ gia đào hầm.
Trong đó phụ gia đào hầm hoàn toàn không gây hại với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và đã trải qua các kiểm định, phê duyệt nghiêm ngặt của dự án.
Ông Salvatore La Valle – Trưởng nhóm kỹ sư TBM chia sẻ: "Thi công trong điều kiện lòng đất luôn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề không thể lường trước. Mặc dù dự án đã khảo sát kỹ dọc tuyến, đồng thời làm việc cụ thể với các hộ dân và chính quyền địa phương để thu thập số liệu, nhưng thực tế vẫn có những thông tin chưa đầy đủ".
"Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định các công trình trên tuyến hầm được quan trắc liên tục và đều đảm bảo trong ngưỡng an toàn. Hiện tượng này có thể tiếp tục xảy ra và chúng tôi đã xây dựng kế hoạch ứng phó từ trước, nỗ lực xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường và cuộc sống người dân".
Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng ban MRB thay mặt chủ đầu tư cùng tư vấn và các nhà thầu, đã gửi đến nhân dân lời xin lỗi về những bất tiện trong quá trình thi công và mong nhận được sự thông cảm, hợp tác của nhân dân trong khu vực dự án đi qua.
“Dự án luôn đặt an toàn lên hàng đầu, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án và quy định pháp luật hiện hành. MRB đã chỉ đạo tư vấn Systra và Liên danh nhà thầu Hyundai – Ghella tiếp tục khảo sát, đánh giá nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu các tình huống tương tự, cũng như ảnh hưởng đến người dân” – ông Nguyễn Bá Sơn nói.
Lãnh đạo MRB khẳng định, hiện tượng nói trên không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình cũng như không có thiệt hại về người. TBM1 đến nay đã đào được 1,2km và vẫn đang tiếp tục thi công với tốc độ bình quân 10-12m/ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.