(HNMO) - 68 tuyến xe đi các tỉnh miền Bắc đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) phải chuyển sang hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) trước ngày 15-3.
Chiều 12-3, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh thông tin, 68 tuyến xe từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Bắc, đang lưu đậu và đón khách tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), phải chuyển sang Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức).
Đây là việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 1 trong kế hoạch chung sớm đưa Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động ổn định. Thời gian chuyển đổi xong trước ngày 15-3-2021.
Bến xe Miền Đông mới đặt tại thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động (giai đoạn 1, mức đầu tư 740 tỷ đồng) từ tháng 10-2020 sau 4 năm thi công. Dự án đã hoàn thành nhà ga trung tâm với 4 tầng trên mặt đất và hai tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 49.680m2 gồm: Nhà ga hành khách của bến xe, văn phòng làm việc và các dịch vụ hỗ trợ, khu ăn uống, bãi đón trả khách và đậu xe liên tỉnh.
Do bến xe mới nằm xa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nên Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức nhiều tuyến xe buýt từ bến xe mới đưa khách vào các điểm trong thành phố.
Cụ thể, đó là các tuyến xe buýt: Số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao quận 9), số 76 (Long Phước - Suối Tiên - Đền Vua Hùng), số 604 (Bến xe Hố Nai - Bến xe Miền Đông), số 603 (Bến xe Miền Đông - Nhơn Trạch).
Ngoài ra, một số tuyến buýt khác, như: Số 150 (Bến xe Chợ Lớn - Tân Vạn), số 5 (Bến xe Chợ Lớn - Biên Hòa), số 601 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Miền Tây), số 602 (Bến xe Phú Túc - quốc lộ 20 - ngã tư Dầu Giây)… cũng được kết nối với Bến xe Miền Đông.
Tổng mức đầu tư của dự án Bến xe Miền Đông mới là 4.000 tỷ đồng. Bến xe dự kiến sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.