(HNM) - Theo công trình nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Đức đăng trên "Journal of Hospital Infection", Tạp chí y khoa uy tín của Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe nhiễm trùng Vương quốc Anh, các chủng cũ của vi rút corona - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) - có thể tồn tại tối đa 9 ngày trên bề mặt các vật dụng kim loại, kính, nhựa với nhiệt độ trong nhà (thường ở mức 25 độ C) và con người có thể nhiễm vi rút bất cứ lúc nào trong thời gian này. Đây là thời gian tồn tại tối đa của các chủng cũ của vi rút corona bên ngoài vật chủ.
Dụng cụ khử trùng được các nhà khoa học khuyến cáo là các dạng dung dịch như ethanol, hydrogen peroxide (oxy già) hoặc sodium hypochlorite. Do chưa có liệu pháp đặc hiệu chống chủng mới của vi rút corona (nCoV) nên các nhà khoa học cho rằng, việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn là rất quan trọng.
Giống như các trường hợp lây nhiễm qua không khí, chủng vi rút corona hiện nay có thể lây lan qua bàn tay và các bề mặt được chạm thường xuyên như: Tay nắm cửa, chuông, kệ đầu giường, thành giường hay các vật dụng khác trong khu vực gần bệnh nhân. Do vậy, bàn tay cũng như các vật dụng kể trên cần được khử trùng thường xuyên.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Hokkaido (Nhật Bản) cho thấy, ít nhất 50% số ca lây nhiễm vi rút nCoV từ người sang người xảy ra khi người bệnh đầu tiên chưa xuất hiện các triệu chứng. Mặc dù thời kỳ ủ bệnh trung bình của nCoV được cho là khoảng 5 ngày, song đã có trường hợp bị lây bệnh trong thời gian này.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Hiroshi Nishiura kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng ngừa (vệ sinh sạch sẽ cơ thể, môi trường sống; đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người...) cũng như cải thiện hệ thống chăm sóc y tế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp cách ly khỏi cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.