Trong dịp cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn 2024, các bến xe thuộc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội quản lý gồm Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm sẽ tăng cường khoảng 2.500 xe.
Có thể xảy ra ùn cục bộ vào một số thời điểm
Theo dự báo của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, trong dịp Tết Dương lịch năm 2024 (kéo dài 3 ngày), lượng khách sẽ tăng nhiều so với ngày thường và tăng cao hơn ngày cuối tuần. Tuy nhiên, theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động bình quân khoảng 30-50% hệ số trọng tải phương tiện. Vì vậy, lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Một số tuyến cự ly ngắn có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào một số thời điểm trong ngày. Do đó, cần có dự phòng phương tiện tăng cường theo thời điểm vào chiều ngày 29-12-2023, sáng 30-12-2023, chiều 1-1-2024 và sáng 2-1-2024.
Số ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 kéo dài 7 ngày, dự kiến lượng khách qua các bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 300-350% so với ngày thường, song lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.
Lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ lễ, Tết là 2.500 xe. Trong thời gian trước Tết Nguyên đán, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng mạnh trên các tuyến đường dài như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Mê Thuột…
Cụ thể, tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 18.000 lượt/ngày, tăng 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 950 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Tại Bến xe Gia Lâm, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 5.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 300% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 500 lượt xe/ngày, chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh…
Còn tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng trên 18.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 900 lượt/ngày, chủ yếu ở các tuyến đường: Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng…
Bến xe sẽ phối hợp cùng các đơn vị vận tải bố trí phương tiện bảo đảm số lượng phương tiện để vận hành theo biểu đồ hoạt động đã đăng ký và tăng cường giải tỏa khách khi có yêu cầu phát sinh.
Đa dạng các hình thức bán vé tới tay hành khách
Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp 900 phù hiệu xe tăng cường giải tỏa khách cho dịp Tết Dương lịch và 1.300 phù hiệu cho Tết Nguyên đán năm 2024; đề nghị Tổng công ty Vận tải Hà Nội chỉ đạo các đơn vị hoạt động buýt chuẩn bị sẵn sàng phương án huy động xe dự phòng nhằm giải tỏa hết khách trong các ngày cao điểm.
Cùng với đó, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội kiến nghị Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức phân luồng giao thông các khu vực xung quanh bến xe; cho phép xe có phù hiệu xe tăng cường của sở được phép đi trong nội thành để đến các bến xe kịp thời giải tỏa khách.
Đơn vị này cũng sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp vận tải để tổ chức bán vé điện tử, cấp lệnh điện tử theo quy định (yêu cầu các đơn vị bán vé điện tử có phương án bán vé dự phòng cho hành khách trong trường hợp hệ thống phần mềm gặp sự cố), bảo đảm 100% hành khách trên xe khi xe xuất bến phải có vé.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.