Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các bến đò ngang qua sông Hồng: Vẫn tràn lan vi phạm

Bài và ảnh: Thúy - Hằng| 18/07/2013 06:41

(HNM) - Mặc dù không được cấp phép chở ô tô song từ nhiều năm nay các bến đò này liên tục vi phạm và khiến các quy định chỉ có hiệu lực trên… giấy.

Vi phạm như… cơm bữa

Đầu tháng 7-2013, chúng tôi đi dọc theo bờ đê hữu sông Hồng chạy từ khu vực thị trấn Phú Minh, qua các xã Văn Nhân, Thụy Phú và Hồng Thái mới thấy những điều người dân phản ánh quả không sai. Tại các bến đò này đều có biển báo và biển "cấm ô tô lên, xuống phà", tuy nhiên trên thực tế bến nào cũng chở ô tô, thậm chí có đò chở đến 2-3 ô tô/lượt, trong đó có cả ô tô tải chở đầy gạch (!?)… Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại bến đò Văn Nhân, xã Văn Nhân, ngày 3-7 cho thấy, cứ khoảng 10 phút bến này lại có một chuyến đò qua sông. Tất cả các chuyến đò qua lại đều chở các loại ô tô, trong đó chủ yếu là ô tô chở gạch từ phía tỉnh Hưng Yên sang. Qua tìm hiểu thông tin từ phía người dân ở gần các bến đò trên, chúng tôi được biết các bến đò chở ô tô là chuyện "bình thường". Ngày nào cũng có hàng chục ô tô được chở qua sông. Các bến đò đối lưu phía tỉnh Hưng Yên cũng chở lượng ô tô qua đò không kém. Mặc dù các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông đường thủy nội địa, thanh tra giao thông... thường xuyên kiểm tra, xử lý, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà các chủ đò vẫn tái phạm.

Một chuyến đò đưa ô tô chở gạch, ô tô con và hành khách sắp cập bến Văn Nhân.


Thông tin người dân gần bến đò Vườn Chuối, xã Hồng Thái "bật mí", để qua mặt cơ quan chức năng, các chủ đò có nhiều chiêu trò. Đơn cử, từ đầu giờ sáng 3-7-2013 đến khoảng 10 giờ cùng ngày, khi biết có lực lượng chức năng kiểm tra tại khu vực này thì "chủ đò" đã cử người "gác" ở trên bờ đê hữu sông Hồng (lối xuống bến đò) để "chỉ dẫn" cho các tài xế ô tô muốn qua đò phải đứng chờ, đợi lực lượng chức năng đi khỏi, họ mới ra hiệu cho ô tô xuống đò. Và những đợt kiểm tra khác theo kế hoạch của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các chủ đò cũng đối phó như vậy. Tìm hiểu qua một lái xe khi qua đò được biết, từ huyện Khoái Châu (Hưng Yên) sang huyện Phú Xuyên, nếu đi đường bộ, lái xe phải đi đường vòng qua phà Yên Lệnh với chiều dài lên đến 50km, do đó chi phí sẽ tăng đáng kể. Nếu đi qua đò, hành trình sẽ rút ngắn được 40km, rất tiện lợi, giảm chi phí…

Ông Nguyễn Bá Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên cho biết, do nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa hai địa phương ngày càng tăng nên các bến đò trên địa bàn huyện có vai trò rất lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách và phương tiện vận tải. Mặc dù các chủ đò đều biết chở ô tô là vi phạm song vì lợi nhuận nên họ vẫn "lén lút" chở mặc dù các ngành chức năng đã nhiều lần "ra tay" xử lý. Thậm chí, đến chính quyền địa phương cũng biết nhưng đành "bó tay". Ông Phạm Văn Kiền, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Phú xác nhận: UBND xã chỉ có quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 2 triệu đồng nhưng mức xử phạt này thấp, không đủ sức răn đe nên hiệu quả không cao. Bên cạnh vi phạm công khai chở ô tô qua đò, một số bến còn vi phạm không niêm yết giá vé qua đò, hoặc niêm yết giá nhưng lại không thu theo giá niêm yết. Khảo sát cho thấy, các bến đò nêu trên đều thu giá vé bình quân ở mức 10.000 đồng/lượt đối với xe máy; 25.000-100.000 đồng/lượt xe ô tô (tùy tải trọng).

Song cũng có những vấn đề mà chúng tôi không hiểu các cơ quan chức năng không biết hay cố tình "cho qua" khi không công nhận các bến đò này là bến phà dù các biển cấm ô tô mới được cắm tại các bến lại ghi là "Cấm ô tô lên, xuống phà". Ngay ở biển chỉ dẫn vào bến đò Văn Nhân ghi "Bến đò - phà Văn Nhân" và trên hai con đò tại bến cũng ghi "Bến phà Văn Nhân kính chào quý khách". Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng sự lập lờ giữa đò và phà này sẽ khiến người qua đò lầm tưởng đò được chở ô tô và sẽ an tâm hơn về mức độ an toàn?

Chủ đò lên tiếng

Bến đò Văn Nhân là một trong những bến có mức đầu tư và quy mô lớn nhất tại huyện Phú Xuyên nên thu hút được lượng người, phương tiện qua sông nhiều. Ông Hoàng Văn Bưng, chủ bến đò Văn Nhân thừa nhận vi phạm khi chở ô tô qua đò, song cũng không kém phần bức xúc và chìa ra một loạt các văn bản cho phóng viên xem. Qua các tài liệu này chúng tôi được biết: Năm 2009, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT đầu tư xây dựng bến đò Văn Nhân thành bến phà (bến đối ứng là bến Đông Ninh, tỉnh Hưng Yên) thuộc dự án phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ và đã được Bộ GTVT ủng hộ về chủ trương thông qua văn bản số 4662/BGTVT-KHĐT ngày 9-7-2009. Đáp ứng chủ trương này, tháng 11-2009, UBND huyện Phú Xuyên đồng ý cho ông Bưng được đầu tư, cải tạo bến. Tháng 9-2011, UBND huyện Phú Xuyên ra Quyết định cho ông Bưng thuê hơn 5.800m2 tại khu đất bãi ngoài, thời hạn 30 năm, để xây dựng bến đò. Tiếp đó, tháng 2-2010, Sở GTVT Hà Nội có văn bản 387/GTVT-QLVT nhất trí cho xã Văn Nhân cải tạo, nâng cấp bến đò thành bến phà và đến tháng 10-2010, sở này tiếp tục có văn bản đồng ý cho ông Bưng được cải tạo bến đò… "Được sự đồng ý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, những năm qua, gia đình tôi đã chi khoảng 10 tỷ đồng cho việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo bến đò. Riêng 2 đò (25 mã lực/đò) cho phép chở đến 30 tấn hàng/đò đã có mức đầu tư lên đến 3 tỷ đồng. Nay, nếu không cho chở ô tô thì với nguồn thu từ bến đò tôi không thể bảo đảm cho các hoạt động của bến và trả nợ ngân hàng. Hiện, tôi vẫn đang loay hoay làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ nâng cấp từ bến đò lên bến phà…" - Ông Bưng giãi bày.

Không chỉ có bến Văn Nhân, các bến đò khác như Đại Gia (xã Thụy Phú), Vườn Chuối (xã Hồng Thái) của huyện Phú Xuyên và một số bến đò của huyện Thường Tín cũng được chủ bến đầu tư khá nhiều kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp bến đò, bảo đảm an toàn khi chở khách, phương tiện, hàng hóa qua sông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cấp phép chở ô tô. Từ thực tiễn nêu trên, chúng tôi nhận thấy để các bến đò hoạt động đúng quy định thì chính quyền địa phương mới là lực lượng chủ đạo có thể kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm, nhưng rất tiếc cấp này lại không có chế tài để thu giữ phương tiện vi phạm hay xử phạt nên nhiều quy định không được thực thi. Trong khi đó, một số bến đò đã có chủ trương cho khai thác, vận chuyển ở tầm lớn hơn lại được triển khai chậm chạp, gây bức xúc cho cả chủ đò và chủ phương tiện khi qua sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bến đò ngang qua sông Hồng: Vẫn tràn lan vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.