(HNM) - Một đêm trong
Câu chuyện về "cú sốc âm nhạc"
Sự tài tình của TS Nguyễn Xuân Diện là dẫn dắt câu chuyện về một "cú sốc" rất nhẹ nhàng, dìu dặt. Chuyện kể về giáo phường ca trù Thái Hà - một gia đình có truyền thống gìn giữ môn nghệ thuật này cả về giá trị văn chương và âm nhạc (đàn, trống, phách) từ 7 đời nay, với nhiều tài danh ca, cầm nổi tiếng (cụ Nguyễn Đức Ý, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Mùi…). Họ là những người đầu tiên và duy nhất cho đến nay đem ca trù đi biểu diễn ở nước ngoài: Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản… Năm 1996, giáo phường được nhận danh hiệu "Cú sốc âm nhạc" tại Pháp và có tên trong danh sách các đoàn nghệ thuật tiêu biểu tại Nhà Văn hóa Pháp.
Phường ca trù Thái Hà biểu diễn trong “Mùa xuân của các thi nhân”. |
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã thiết kế không gian cổ kính đặc trưng của lối hát ca trù nguyên thủy với không gian của một ngôi đình hoặc đền thờ với hương trầm tỏa ra ấm cúng. Các nghệ sĩ đàn hát hứng khởi trong sự hưởng ứng không ngớt của khán giả. Cả đêm, khách được thưởng thức tiếng hát mê hoặc của thế hệ thứ 6, 7 của giáo phường bên cạnh cụ Nguyễn Văn Mùi (thế hệ thứ 5) nay đã 80 tuổi - vẫn đĩnh đạc trong vai trò quan viên cầm chầu và con trai cụ, NSƯT Nguyễn Văn Khuê đệm đàn đáy. Tiếng hát của ca nương Thúy Hòa (thế hệ thứ 6) khi êm dịu lúc da diết với "Vô đề" (của cụ tổ Nguyễn Đức Ý) và "Tỳ bà hành" (của Bạch Cư Dị). Còn hai thiếu nữ Thu Thảo và Kiều Anh (thế hệ thứ 7) đã biết lảnh lót với những quãng ngân nảy khéo léo trong "Hồng hồng tuyết tuyết" (của Dương Khuê) "Gửi thư" (khuyết danh)…
Cuộc gặp gỡ của âm nhạc và thi ca
Đêm ấy, giáo phường ca trù Thái Hà lôi cuốn người nghe bằng tiếng đàn hát điêu luyện, còn TS Nguyễn Xuân Diện dẫn dắt khán giả bước vào thi ca bằng lời nói, tạo thành câu chuyện mạch lạc về một di sản văn hóa độc đáo của nước ta. Khách thêm hiểu về sự phong phú của làn điệu, thể cách, cảm được không gian, thời gian biểu diễn và biết cách thưởng thức. Họ ngộ ra ca trù là mối duyên của văn chương và âm nhạc. Người ta bỗng nhớ đến những tao nhân mặc khách với lối chơi "ngông", chơi "sang" mà rất tinh tế, giàu cá tính sáng tạo như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh… trong mối duyên này.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, nhắc đến ca trù là người ta nhắc đến mối quan hệ giữa văn nhân với ả đào. Khi có thơ nghệ thuật, ca trù lan nhanh hơn và ca trù là nguồn cảm hứng để văn nhân sáng tạo, thể nghiệm. Những điệu hát của các ca nương lần lượt đưa khách đến vườn thơ như: "Hồng hồng tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Nghoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu" (Hồng hồng tuyết tuyết); "Bến tầm dương canh khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu/ Người xuống ngựa khách dừng chèo/ Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti" (Tỳ bà hành)… - đều là những tuyệt bút của các văn nhân.
Đêm hạnh ngộ ấy, người nước ngoài có đến phân nửa, họ nghe chăm chú, đón đợi diễn giải và ồ lên hưởng ứng. Còn có cả sự xuất hiện của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (95 tuổi), nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng nhiều gương mặt trẻ. Thêm nhiều cuộc gặp gỡ như thế, ca trù chẳng sợ mai một!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.