Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cà phê thơm ngon nhờ... hóa chất chợ Kim Biên

Theo Vĩnh Phú/Báo Giao thông| 26/07/2016 09:39

Để pha chế cà phê với đủ vị thơm ngon, nhiều cơ sở rang xay cà phê mua hóa chất từ chợ Kim Biên (Q5, TP HCM).


Các loại hương liệu, hóa chất công nghiệp được bán phổ biến ở chợ Kim Biên, quận 5. Ảnh: Vĩnh Phú


Cà phê “ngon”: 1kg cà phê + 1g hóa chất

Sáng 15/7, trong vai chủ quán cà phê, chúng tôi tìm đến khu chợ Kim Biên mua hương liệu về chế biến và pha vào cà phê rang xay. Từ đường Hải Thượng Lãn Ông, Vạn Tượng, Kim Biên, Gò Công san sát cửa hàng, kios bày bán hóa chất công nghiệp, hương liệu pha chế cà phê, nước giải khát… với đủ loại nhãn mác. Theo quan sát của PV Báo Giao thông, chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, hàng chục xe máy chở can, bịch nilon đựng hóa chất tấp nập ra vào những cửa hàng này.

Vừa bước vào bên trong cửa hàng hóa chất kinh doanh hương liệu K.A, chúng tôi được chủ quán giới thiệu đủ loại hương liệu để pha chế cà phê và nước giải khát nhập từ Đức, Anh, Pháp, Malaysia, Indonesia... Ngoài ra, trên kệ còn có một số chai, lọ hương vani, hương trái cây, chất tạo giòn dai (thường sử dụng trong pha trộn giò, chả lụa - PV) với nhãn dán chi chít chữ Trung Quốc.

Khi hỏi về hương liệu pha chế cà phê, chủ quán tận tình giới thiệu cửa hàng có bán hương vani, hương chồn… để bỏ chung với cà phê khi rang xay giá 35 nghìn đồng/100 gram. “Hương vani có nhiều loại lắm, trong đó vani Trung Quốc được nhiều khách mua dùng. Các quán cà phê thường pha cà phê, bơ, đường, sữa hương liệu tùy thích. Khi rang cà phê, anh cứ pha theo công thức 1kg cà phê + 1gram hóa chất là ra sản phẩm”, nữ nhân viên cửa hàng tư vấn.

Chúng tôi đồng ý mua mỗi loại 100 gram hương liệu pha cà phê gồm: Moka, Đức, chồn thì ngay lập tức, nam nhân viên cửa tiệm ra phía sau rót vào ba chai nhựa đưa cho khách. Tôi hỏi nguồn gốc những hóa chất này thì chủ tiệm trấn an: "Cứ yên tâm pha chế!". Nữ nhân viên còn đưa cho tôi tấm card giới thiệu và không quên dặn dò: “Cửa hàng em có hàng giao sỉ tận nơi nếu khách có nhu cầu, mua sỉ chúng em sẽ tính giá khuyến mãi”.

Theo thông tin giao dịch trên name card thì có thể coi đây là "vựa hóa chất lớn tại chợ. Ngoài địa chỉ nói trên chuyên bán phụ gia thực phẩm thì cửa hàng này còn 5 sạp khác tại chợ Kim Biên. Khách mua số lượng lớn hóa chất, hương liệu có thể chuyển khoản qua ngân hàng.

Trước đó, chiều 13/7, tôi ghé cửa hàng T.K phía sau chợ Kim Biên hỏi mua bơ, hương vani, chất tạo độ sánh, tạo bọt để pha chế cà phê. Nhân viên nhanh nhẹn chỉ vào dãy thùng nhựa không nhãn mác được sắp xếp ngay ngắn trên kệ. Chủ cửa hàng tư vấn pha cà phê thường pha hương bơ vì thơm nên khách rất thích. “Ở đây chỉ bán nguyên thùng theo tùy loại 670 nghìn đồng/thùng, 600 nghìn đồng/thùng, 290 nghìn đồng/thùng chuyên bán sỉ không bán lẻ”, chủ cửa hàng cho biết.

Mở nắp chai đã thấy chóng mặt buồn nôn


Các loại hóa chất hương liệu Moka, hương chồn… có mùi rất khó chịu khi tiếp xúc


Vừa mở nắp chai nhựa đựng những hóa chất hương liệu cà phê mới mua trên, mùi hóa chất xộc thẳng vào mũi chúng tôi gây cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Rót ra ly thủy tinh, chất lỏng màu đen đặc quánh này càng nồng nặc khó chịu.

Theo một nhân viên từng làm tại một cơ sở cung cấp cà phê, trong quá trình rang xay, cơ sở này thường pha thêm hương liệu, hóa chất và đây cũng là cách làm phổ biến tại nhiều đơn vị khác. “Xuất xứ nguồn gốc hương liệu, hóa chất, công thức pha chế chả ai kiểm soát được nên việc ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe người sử dụng thì mặc kệ”, nhân viên này chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các xe bán cà phê dạo, quán cà phê vỉa hè ven nhiều tuyến đường ở TP.HCM thường lấy cà phê từ những cơ sở rang xay kiểu trên về bán. Chủ quán mua một chai nửa lít chỉ dưới 40 nghìn đồng nhưng có thể bán gần 20 ly cà phê đá với giá bình dân từ 12 nghìn - 15 nghìn đồng/ly.

Đánh giá về tác hại của việc sử dụng hóa chất độc hại trong pha chế nước giải khát, bác sĩ Đinh Cao Minh, bác sĩ chuyên khoa 2, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho rằng, đa số hóa chất pha chế nước giải khát không rõ nguồn gốc chắc chắn có độc tố ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, thần kinh… tùy theo loại hóa chất và liều lướng sẽ gây tổn hại mãn tính về lâu dài.

“Đối với những trường hợp ngộ độc thực phẩm biểu hiện ngay bên ngoài như nôn, ói, tiêu chảy còn có thể đi bệnh viện chữa trị. Nhưng với thực phẩm, cà phê, nước giải khát pha loại hóa chất sẽ tích tụ độc tố trong người không biểu hiện bên ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài dễ dẫn đến các bệnh ung thư”, bác sĩ Minh nói.

Anh Lê Hữu Tài, chủ một quán cà phê tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: Ly cà phê nguyên chất khi pha phin đổ nước sôi vào bột cà phê trào lên trong phin, giọt cà phê luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách. Với cà phê bột đã được tẩm hương liệu hóa chất, bọt từ ly cà phê đánh lên đầy cả ly và rất lâu tan, khi nhìn ly cà phê trông bắt mắt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cà phê thơm ngon nhờ... hóa chất chợ Kim Biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.