TP Hồ Chí Minh

Cả nước có gần 700 nghìn người tham gia bán hàng đa cấp

Hà Phạm 28/05/2025 - 20:06

Chiều 28-5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2024 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và định hướng phát triển trong thời gian tới..

img_1696.jpeg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: H.Phạm

Hội nghị này không chỉ là dịp đánh giá những kết quả đạt được trong năm qua mà còn là cơ hội để thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục và thúc đẩy ngành bán hàng đa cấp phát triển bền vững trong năm 2025.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho hay, ngành bán hàng đa cấp vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giảm mạnh, chỉ còn 16 đơn vị.

Đáng chú ý, tổng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp trong năm 2024 đạt khoảng 16.206 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc đóng góp của ngành vào ngân sách cũng suy giảm. Cùng với đó, số lượng người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp giảm 9%, còn 695.778 người, phản ánh sự khó khăn và giảm sút niềm tin từ phía người tham gia và người tiêu dùng đối với mô hình bán hàng này.

Đáng nói là vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong hoạt động bán hàng đa cấp. Các vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành mà còn khiến người tiêu dùng và cộng đồng xã hội nghi ngờ và thiếu niềm tin vào mô hình kinh doanh này.

Trong bối cảnh trên, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương và các Sở Công Thương địa phương, đã nỗ lực xây dựng một khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

W_img_1697.jpeg
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội nghị. Ảnh: H.Phạm

Một trong những văn bản quan trọng được ban hành trong năm qua là Nghị định số 55/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nghị định này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, cũng đã được ban hành, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã triển khai 4 đoàn kiểm tra và 3 đoàn thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền lên đến 1,46 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cảnh báo về các biểu hiện của đa cấp biến tướng cũng được thực hiện rộng rãi, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khỏi những rủi ro không đáng có.

Những vụ án hình sự liên quan đến các doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật đã được khởi tố tại nhiều địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn và Thanh Hóa, thể hiện quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Mai Hương - Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nêu, Ủy ban cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và Hiệp hội Bán hàng đa cấp để duy trì môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nước có gần 700 nghìn người tham gia bán hàng đa cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.