Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, có giải pháp phù hợp, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Khám chữa bệnh cho người nghèo ở Ninh Thuận. Ảnh TTXVN |
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định rõ, trong giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm và đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Để thực hiện những mục tiêu, yêu cầu cao hơn trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, nhất là người nghèo.
Đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo; thiên tai, thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ thường xuyên xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là các địa phương miền Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo làm cho họ khó thoát nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, có giải pháp phù hợp, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách là hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn để bảo đảm nguồn vốn đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã quy định. Các địa phương có trách nhiệm bố trí đủ vốn từ ngân sách địa phương và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Các địa phương tích cực tham gia, đóng góp thiết thực vào hoạt động tín dụng chính sách xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; chủ động lồng ghép nguồn lực của Chương trình này với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và 21 chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án của địa phương mình để có nguồn lực lớn hơn cho giảm nghèo bền vững; tập trung nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả gắn với cộng đồng, phù hợp với điều kiện cụ thể về đất đai, phong tục, tập quán văn hóa của nhân dân từng địa bàn; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, các địa phương tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm của các hộ gia đình; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn để tăng cơ hội tiếp cận chính sách, khuyến khích người nghèo tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập để thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về các tiêu chí, yêu cầu và nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình đạt mục tiêu đề ra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.