(HNMCT) - “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” (NXB Thanh Niên và TymBooks) là tên tập tản văn mới nhất trong 4 cuốn mang chữ “thương” được xuất bản trong 2 năm trở lại đây của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, gồm 32 tản văn.
Một tập tản văn đầy cảm xúc, đầy luyến nhớ mênh mang về những người từ khắp mọi miền đất nước về thành phố phương Nam lập nghiệp lập thân, để “mỗi thân phận làm nên một câu chuyện mà thiếu họ có lẽ Sài Gòn sẽ chẳng còn là Sài Gòn”.
Nhưng, cho dù đã “an cư”, “lạc nghiệp”, đã “con đàn cháu đống” mấy thế hệ, hay chỉ là tạm dừng chân đôi ba mùa, vài tháng năm thì sâu thẳm trong những “lưu dân” vẫn là nỗi nhớ, là hoài niệm, là những thổn thức mỗi chiều mưa trưa nắng, là xốn xang khi ánh mắt bắt gặp những mảnh xanh biếc vạt lá hàng cây, là nôn nao thao thiết cái hương vị quê nhà bất chợt từ niêu cơm gạo mới, âu cá đồng kho, tô canh chua ngọt...
Tống Phước Bảo đã thấu cảm đến tận cùng những lời trái tim muốn nói của họ, phả vào tác phẩm của mình bao chân tình, yêu thương, sẻ chia, đồng cảm. Một ngoằn ngoèo con hẻm nhỏ, một liêu xiêu gánh hàng rong, một “bà ngoại” miền Trung, một cố hương xứ Bắc..., tất cả có trong “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”, mà chỉ cần đọc những dòng tít nhỏ là đã hình dung ra cả một trời “vọng” và “thương”: "Nghiêng mình nhớ quê", "Thương món canh quê thèm mùi châu thổ", "Nghe mưa nhớ vị xưa", "Còn chút hồn quê giữa thị thành", "Tìm Tết Bắc giữa Sài Gòn", "Còn thương bếp ngoại ngày mưa", "Vọng Tết", "Người buồn ngóng phố", "Mưa dầm nỗi thèm quê"...
Điều thú vị trong cuốn tản văn này còn là cách tác giả “gài” rất nhiều hương vị ẩm thực ba miền Nam - Trung - Bắc, từ phố đến quê, từ hàng quán đến gánh rong, từ món đồng quê miệt vườn đến món đậm chất thị thành…. Bất kỳ ai khi đọc cũng cảm nhận được hương vị thân thuộc, hương vị mà mình thích, hương vị mà mình nhớ… Đó là thắng cố, gà Mông, lẩu Lào; là bắp bò mật mía, thịt heo ngâm mắm, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in ở xứ Quảng, miền Trung; miến dong Bắc Kạn; đậu phụ Làng Mơ, bánh chưng Tranh Khúc Hà Nội; món bì heo, canh tép rong nấu đọt nhãn lồng ở miền Tây Nam Bộ. Đó còn là những “đặc sản” đậm chất Sài Gòn với cơm tấm “ma”, chè “âm phủ”, sủi cảo “xuyên đêm”; hủ tiếu của người Hoa...
Tản mát đâu đó là một số bài viết về giông bão gió mưa, luân chuyển mùa trong năm năm tháng tháng, là những khó nhọc trần ai mà người ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh từng trải qua suốt hai năm thảm họa do dịch Covid-19... Chỉ là để truyền tải thông điệp, rằng cuộc đời ai cũng có thể phải trải qua dâu bể thác ghềnh, nhưng cũng chính từ thử thách đã trải qua mà biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn, biết cùng sống yêu thương, cùng mưu cầu no đủ, hạnh phúc.
Với tập tản văn này, Tống Phước Bảo muốn mang Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đến gần hơn với độc giả. Bởi “Sài Gòn không thiếu chuyện để kể. Có những thứ trong cuộc đời, mình nghĩ là tạm thương, nhưng rồi vương mang trong dạ suốt cả một đời. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.