Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cà Mau đạt nhiều chuyển biến trong gỡ thẻ vàng khai thác thủy sản

Minh Điền - Lê Khoa| 23/05/2023 18:29

(HNMO) - Với nhiều biện pháp quyết liệt được triển khai liên tục trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Tỉnh đang nỗ lực duy trì và nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, góp phần vào gỡ thẻ vàng của EC.

Ngư dân Cà Mau vươn khơi bám biển nhưng không vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản.

Nhiều chuyển biến

Theo UBND tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 4.291 tàu cá. Trong đó, có 1.565 tàu cá khai thác vùng khơi, các tàu cá hoạt động khai tác thủy sản trên biển đều lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định đạt 100%. Cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá. 

Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cà Mau không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ. Để đạt được thành quả này, các ban, ngành chức năng và chủ công là Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến tại các trạm kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các trường hợp tham gia khai thác thủy sản mà không đủ điều kiện. Đồng thời, thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Thượng tá Phùng Đức Hưng kiểm tra một tàu cá về tuân thủ các quy định trong đánh bắt hải sản.

Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, Phó Trưởng ban chỉ đạo tỉnh Cà Mau về chống khai thác IUU cho biết, trước đây, tỉnh có nhiều ngư dân hoặc giữ thói quen đánh bắt theo luồng di chuyển của các loại hải sản, hoặc vì chạy theo lợi ích kinh tế mà vi phạm vùng biển nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh Cà Mau đã đặt Trung tâm điều hành giám sát tàu cá tại cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để lực lượng chức năng duy trì giám sát 24/24 giờ hệ thống giám sát tàu cá, kịp thời thông báo và kêu gọi các tàu cá vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài trở về vùng biển Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254 km, vùng biển rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Vì vậy, ngoài việc tăng cường phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, vận động, giám sát bà con ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật, tỉnh Cà Mau còn chủ động phối hợp với các địa phương bạn để cùng quản lý ngư dân, kịp thời xử lý khi có vi phạm”, Thượng tá Phùng Đức Hưng nói.

Phương tiện đánh bắt cá tại khu neo đậu thị trấn Sông Đốc.

Ông Trương Trọng Khánh (ngụ tại khóm 1, thị trấn Sông Đốc) cho biết, gia đình ông có một tàu hoạt động nghề câu mực. Chia sẻ về tuân thủ quy định đánh bắt hải sản, ông Khánh nói: “Bộ đội Biên phòng đã tuyên truyền, giải thích tác dụng của thiết bị giám sát tàu cá, nên chúng tôi đã lắp máy. Nhờ nó, năm 2021, Bộ đội Biên phòng đã kịp thời cảnh báo khi anh em trên thuyền sắp vượt sang vùng biển nước ngoài vì mải theo đàn cá”.

Giữ và phát huy hiệu quả

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Cà Mau đang triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Các công tác trọng tâm thời gian tới gồm: Kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tăng cường tuyên truyền ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu đánh bắt cá tuân thủ các quy định khi ra khơi.

Từ phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Nguyễn Đình Trĩu thông tin, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân, phối hợp kiểm soát chặt các hoạt động của tàu thuyền đánh cá, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức xử lý mới là xử phạt cá nhân thuyền trưởng nếu cố tình để phương tiện đánh bắt cá của mình sang vùng biển nước ngoài. Chế tài này trước đây chưa có quy định áp dụng.

Tại cơ sở, Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc đang quản lý hơn 1.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 900 phương tiện thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đánh bắt xa bờ); ngoài ra, tại cửa biển Sông Đốc thường xuyên có trên 100 phương tiện các địa phương khác ra vào hoạt động, giao lưu hàng hóa trên địa bàn. Hiện trạm đã vận hành liên tục phần mềm kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến và hệ thống giám sát hành trình tàu cá; đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện và đảm các quy định phòng chống IUU, không cho xuất bến các phương tiện không đủ thủ tục, thiết bị theo quy định. 

Các cấp chính quyền và ngư dân tỉnh Cà Mau cùng tích cực vươn khơi bám biển, vừa góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU của EC.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU, cho biết: “UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản; phối hợp với bộ đội biên phòng kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Yêu cầu UBND các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và thành phố Cà Mau chỉ đạo theo dõi, giám sát tàu cá không tham gia khai thác thủy sản, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều hình thức hỗ trợ, bảo vệ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển đúng luật, góp phẩn khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau đạt nhiều chuyển biến trong gỡ thẻ vàng khai thác thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.